Thiết thực các mô hình dân vận khéo

31/07/2023 | 08:36 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, quan tâm, từ đó góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Vườn vú sữa rộng 6.000m2 của ông Đặng Văn Xệ, ở ấp 6B, mỗi vụ thu hoạch từ 180-190 triệu đồng.

Từng mô hình, điển hình dân vận khéo khác nhau về hình thức, nội dung hoạt động, nhưng đều hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tiêu biểu như mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao” ở ấp 6B đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, sản xuất đạt hiệu quả, thực hiện các mô hình làm ăn tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân. Tân Hòa có hơn 90% diện tích đất canh tác là nông nghiệp. Những năm qua, địa phương phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Ghé thăm vườn vú sữa trồng xen hạnh rộng 6.000m2 của ông Đặng Văn Xệ, Trưởng ấp 6B, xã Tân Hòa, chúng tôi được nghe ông phấn khởi chia sẻ: “Lúc đầu, khi chưa tham gia tổ hợp tác, bà con mạnh ai nấy làm, vườn ai người ấy canh tác, hiệu quả cũng có nhưng không cao do chỉ quen với cách làm truyền thống. Từ khi được xã tuyên truyền thành lập tổ hợp tác nông dân sản xuất có thu nhập cao, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, được chuyên gia chia sẻ về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ vậy mà chất lượng vườn cây, chuồng trại của bà con ở đây ngày càng được nâng lên”.  

Phát triển từ năm 2022, đây được đánh giá là mô hình thiết thực góp phần nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo địa phương. Tham gia các tổ hợp tác, nông dân được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác nên năng suất cây trồng luôn ở mức ổn định. Từ đó, mang về thu nhập cho nông dân cao hơn so với người dân ngoài tổ. Thấy được hiệu quả mang lại nên số thành viên đăng ký tham gia vào Tổ hợp tác ở ấp 6B đã tăng lên 16 thành viên.

Ông Trần Văn Dệt, thành viên Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao, cho biết: “Từ khi thành lập tổ đến nay, tổ hợp tác đã giúp ích cho người dân rất nhiều. Hiệu quả thấy rõ nhất là năng suất và chất lượng trái, 2 công hạnh của tôi mỗi tháng thu hoạch được 2 lứa, mỗi lứa bán ra khoảng 400kg. Giá hạnh hiện nay ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, lại nhẹ công chăm sóc nên tính ra làm một vụ hạnh bằng 3 vụ lúa. Đối với những hộ trồng lúa trong tổ, năng suất thu hoạch cũng đạt từ 700-750kg/công, ai cũng thấy phấn khởi. Ngoài ra, phương thức hoạt động của tổ hợp tác là sản xuất tập thể nên mọi vấn đề đều được đưa ra bàn bạc thống nhất, sau đó mới triển khai thực hiện. Chính vì thế mà anh em trong tổ rất đồng thuận, sản xuất ngày một đi lên”.

Trong năm nay, Khối dân vận xã Tân Hòa còn thực hiện mô hình dân vận khéo “Hỗ trợ phát triển kinh tế gắn kết du lịch cộng đồng”. Đây là mô hình mới nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp - nghề truyền thống và du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững, tăng cường hiệu quả, tạo cơ sở thống nhất trong hoạt động quản lý, khai thác tiềm năng và kinh doanh du lịch của xã, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Cùng với đó là phát triển du lịch xã Tân Hòa trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện và các vùng lân cận với các sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái (sinh thái nông nghiệp, sinh thái miệt vườn), du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, tâm linh, vui chơi giải trí gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn của địa phương.

Với lợi thế có hơn 498ha vườn cây ăn trái, gồm các loại trái cây nổi bật như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi, vú sữa,… cùng với các cơ sở làm bánh truyền thống, câu lạc bộ đờn ca tài tử, ngoài ra trang trại sữa dê Ngọc Đào tọa lạc trên địa bàn xã hứa hẹn sẽ là “nam châm” thu hút du khách gần xa đến với Tân Hòa.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hòa Kim Phụng chia sẻ: “Chúng tôi phát huy hiệu quả công tác dân vận để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện. Các hộ gia đình tham gia mô hình sẽ hỗ trợ nhau về kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…, từ đó tạo điều kiện cho từng hộ có công ăn, việc làm sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi vận dụng nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cũng như về quy mô để xây dựng điểm du lịch... Hy vọng thời gian tới có thể tạo được sự gắn kết giữa các mô hình nông nghiệp và các điểm du lịch. Qua đó, quảng bá hình ảnh Tân Hòa đến với du khách gần xa…”.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>