Thúc đẩy đưa nông sản Việt vào New Zealand

11/03/2024 | 15:00 GMT+7

New Zealand có dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng là một thị trường khó tính. Vào được thị trường này là có thêm một bảo chứng về chất lượng cho nông sản Việt Nam trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand Simon Watts (ngồi cạnh) thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand vào ngày 10-3 - Ảnh: NHẬT BẮC

Không chỉ là quốc gia sản xuất nông sản chất lượng cao có tiếng trên thế giới, New Zealand còn là nơi có những cơ sở nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp và thực phẩm.

Nhiều dự án hỗ trợ nông sản Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm (PFR) vào ngày 10-3, một trong những nơi đang có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Việt Nam.

"Nông nghiệp là một yếu tố quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước" - quyền đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Hinton khẳng định trong cuộc phỏng vấn trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thực tế cho thấy ông đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp khi thăm PFR.

"Xin phép dùng thêm một quả nữa vì nó ngon quá!" - Thủ tướng hóm hỉnh nói về loại quả kiwiberry do PFR lai tạo và mang ra mời các vị khách đến thăm vào ngày 10-3.

PFT không chỉ là trung tâm có trình độ chuyên môn hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao. Đây còn là nơi áp dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Nhiều dự án hợp tác với phía Việt Nam đang được PFR triển khai các năm qua. Trong đó có dự án trị giá 3,3 triệu USD hỗ trợ phát triển ngành chanh dây xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào tháng 11-2023, thực hiện tại Sơn La và Gia Lai từ năm 2023 - 2027.

PFR cũng có dự án về thanh long nhằm phát triển ngành thanh long và cải thiện thu nhập của nông dân sản xuất nhỏ. Nhờ dự án này, ba giống thanh long mới đã được nhân giống và thương mại hóa, khả năng kháng bệnh cao hơn, thơm ngon hơn với hương vị và màu sắc mới lạ. Các giống này cũng đang được tiến hành trồng thử nghiệm ở một số khu vực tiềm năng khác, trong đó có New Zealand.

"Những điều đó cho chúng ta cảm nhận tuy khoảng cách địa lý giữa hai nước xa xôi nhưng tình cảm lại gần gũi, "từ trái tim tới trái tim" và mang lại hiệu quả, lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về những kết quả hợp tác giữa PFR và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Ngoại giao. Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: TUẤN ANH

Đoàn kết tạo sức mạnh

Là một trong những người chia sẻ tại cuộc gặp kiều bào với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Wellington vào tối 10-3, bà Huỳnh Diễm Thúy - đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào New Zealand - cho biết doanh nghiệp hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi sẵn có nhờ những thỏa thuận thương mại đa phương lẫn song phương.

Bưởi da xanh của Việt Nam hiện là mặt hàng nông sản thành công nhất khi nhập vào nước này. Sản phẩm hiện có trên kệ của nhiều siêu thị tại New Zealand với bốn doanh nghiệp đang nhập khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn về khâu vận chuyển, kho lưu trữ hay việc thay đổi quy định giấy tờ liên tục của New Zealand.

Gặp Thủ tướng, bà Thúy kiến nghị Việt Nam nên xem xét xuất khẩu các loại nông sản dùng hằng ngày sang New Zealand.

Lấy ví dụ như quả chuối, một sản phẩm mà cả người bản địa New Zealand lẫn những người gốc Á đều ưa thích. Hiện tại New Zealand đang nhập khẩu chuối từ Ecuador, một quốc gia xa New Zealand hơn so với Việt Nam, trong khi nước ta cũng đã xuất khẩu chuối sang nhiều nước khác.

Về vấn đề này, cũng tại cuộc gặp kiều bào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết nếu muốn đưa sang nông sản nào thì cũng phải nhập về của họ một loại, theo kiểu có qua có lại. Vấn đề hiện nay là chất lượng nông sản Việt Nam vì khoảng cách vận chuyển xa. Có doanh nghiệp chỉ mới đến Úc đã muốn dừng lại hoặc "bàn ra", theo ông Hoan.

Do đó, ông cho biết trong cuộc làm việc với phía New Zealand vào hôm nay (11-3), ông sẽ nêu vấn đề về chuẩn hóa các khâu kiểm dịch thực vật, động vật, an toàn thực phẩm và sẽ bàn tiếp với phía New Zealand chuyện nhập quả nhãn. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam ở New Zealand chung tay, đoàn kết để khai phá thị trường này. Việc đi cùng nhau để cùng hỗ trợ thông tin sẽ góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn như kho bãi, thị trường mới.

Hôm nay (11-3), lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Ngay sau lễ đón, hai thủ tướng bước vào hội đàm, chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện và gặp báo chí để thông báo kết quả hội đàm.

Dự kiến hôm nay Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ gặp toàn quyền và chủ tịch Quốc hội New Zealand cùng một số hoạt động khác.

Theo DUY LINH/tuoitre.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>