Chung sức đồng lòng, vượt nắng thắng mưa để hoàn thành dự án

27/06/2023 | 08:29 GMT+7

Việc khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã mở ra bước ngoặt lớn trong phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL. Tất cả trên tinh thần chung sức đồng lòng, vượt nắng thắng mưa để hoàn thành dự án.

Các tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh Hậu Giang.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng

Dự án thành phần 1 đi qua địa bàn tỉnh An Giang dài 57,2km. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bày tỏ, đây là lần đầu tiên tỉnh được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. Vì thế, tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo để bắt tay thực hiện các nội dung công việc, từ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, cho đến việc lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi... nhờ đó, tính đến ngày 16-6, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt gần 81%.

Dự án thành phần 2 đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ dài 37,2km. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cấp thiết. Dự án đóng vai trò liên kết vùng, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.

Đây chính là cơ sở để thành phố Cần Thơ phát huy vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Thành phố sẽ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Ông Trường khẳng định, thành phố luôn nhận thức việc tổ chức triển khai xây dựng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thường xuyên phối hợp, hỗ trợ để công trình triển khai thuận lợi.

Dự án thành phần 3 đi qua tỉnh Hậu Giang, có chiều dài gần 37km. Dự án đi qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260ha. Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia có diện tích đất thu hồi và khối lượng công việc rất lớn, tỉnh Hậu Giang đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng, trong thời gian qua Tỉnh ủy đã tập trung nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

“Mở ra không gian và cơ hội rất tích cực cho tỉnh. Hậu Giang nhận thức rằng, đây là cơ hội để tỉnh huy động, thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp; tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh, tăng thu ngân sách trên tiêu chí là phải đảm bảo các yếu tố về môi trường”, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định.

Là điểm cuối cùng của tuyến cao tốc, dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng dài gần 57km. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh, tuyến cao tốc hình thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển nước sâu Trần Đề của tỉnh. Đây sẽ là đòn bẩy tạo động lực, đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Ông Lâu cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án của tỉnh quan tâm đôn đốc đơn vị thi công triển khai công trình đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và tiến độ đề ra.

Đồng lòng vì mục tiêu chung

Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Chúng tôi là một trong những nhà thầu được lựa chọn tham gia dự án thành phần 3, gói thầu số 1 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có thể nói đây là dự án lớn, nhiệm vụ rất nặng nề đối với chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Với đặc điểm thi công cao tốc địa bàn vùng sông nước, địa chất phức tạp rất là khó khăn trong việc xử lý nền đất yếu”.

Bên cạnh đó là nguồn vật tư, vật liệu khan hiếm và công tác vận chuyển, địa bàn sông nước, luồng hẹp, độ mớn nước nông cho nên các tàu lớn không ra vào được tận chân công trình, kết hợp với công tác thiết kế trong giai đoạn hiện nay còn có những nội dung cần theo dõi tiếp tục để hoàn thiện. Đây là những khó khăn lớn nhất mà chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải có sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao để triển khai thực hiện dự án đúng theo kế hoạch.

“Là nhà thầu thi công, trước hết chúng tôi thực hiện trách nhiệm, với năng lực và kinh nghiệm rút ra từ các dự án đã và đang triển khai sẽ xây dựng kế hoạch thi công, biện pháp thi công cho phù hợp. Ngoài ra, cũng có những thuận lợi theo thông báo của địa phương tại lễ khởi công thì việc giải phóng mặt bằng đã được hơn 80%, thứ 2 là sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân thì đây là cơ sở để chúng tôi triển khai dự án đúng kế hoạch”, đại tá Vũ Phúc Hậu chia sẻ.

“Với khối lượng công việc và các điều khoản trong hợp đồng thì nhà thầu chúng tôi tổ chức lực lượng, đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật đủ về nguồn nhân lực để thực hiện dự án. Huy động máy móc, trang thiết bị phù hợp, hiện đại để triển khai dự án. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, nguồn lực tài chính để đáp ứng cho dự án. Với sự chuẩn bị, kinh nghiệm, quyết tâm cao, chúng tôi sẽ thực hiện các bước cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư”, đại tá Vũ Phúc Hậu khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, với cơ chế đặc thù, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường (2 năm). Đến nay, cả 4 dự án thành phần đã hoàn thành các thủ tục để khởi công, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Qua thực tiễn triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã rút ra một số kinh nghiệm khi triển khai dự án như: Các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới.

Đối với nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, nhu cầu dự án cần gần 30 triệu m3. Ông Lâm đề nghị các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đưa dự án về đích đúng thời hạn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh, thành phố có dự án đi qua phải bắt tay vào thực hiện nhanh giải phóng mặt bằng. Trước mắt, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp; đối với diện tích còn lại của toàn bộ dự án phải hoàn thành bàn giao trước ngày 31-12-2023. Đề nghị các tỉnh có điều kiện về vật liệu thông thường phải hỗ trợ các tỉnh thiếu. Vì tài nguyên là của chung, của đất nước, không phải của riêng tỉnh nào. Quan tâm đến công tác tái định cư, ổn định sản xuất để người dân có nơi ở và công việc mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Các nhà thầu thi công “3 ca 4 kíp” với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện và mang lại hiệu quả đo lường được.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>