Làm rõ được nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, kiến nghị

14/07/2023 | 08:34 GMT+7

Trong phiên họp thứ tư, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, đã dành trọn thời gian của phiên họp để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đây, làm rõ được nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc, nổi cộm, được cử tri trong tỉnh quan tâm, kiến nghị.

Ông Trần Thanh Liêm (đứng), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giải trình ý kiến đại biểu tại phiên chất vấn.

Nhìn chung, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đề ra khi đại biểu mạnh dạn nêu lên những vấn đề mình chưa hài lòng, còn lãnh đạo các sở, ngành cũng trả lời đúng trọng tâm, không né tránh.            

Phát triển nông nghiệptheo hướng sinh thái

Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Bảo Trung Kiên, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cho biết, nông sản nước ta hiện có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy, nông sản của Việt Nam đã có vị trí tương đối trên thị thường quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế, ngành nông nghiệp nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, phương pháp canh tác một số loại nông sản chưa tiến bộ, dẫn đến sản phẩm khó đạt chất lượng, số lượng. Vì vậy, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh có giải pháp gì để sản phẩm nông nghiệp có thể cạnh tranh “sòng phẳng” ở sân chơi trong nước và quốc tế.

Đại biểu tham gia chất vấn tại phiên họp.

Thông tin tại phiên chất vấn, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, thực trạng thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều thay đổi qua việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với liên kết chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng trồng tập trung. Về phương thức canh tác cũng có bước thay đổi theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,... Dù vậy thì quy mô chưa lớn, đa phần sản xuất vẫn còn manh mún, diện tích sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng chưa nhiều.

Vì vậy, theo ông Long, để đảm bảo cung cấp nông sản đạt chất lượng với số lượng lớn, ổn định; đồng thời, tạo sự cạnh tranh công bằng ở cả thị trường trong nước và quốc tế thì ngành nông nghiệp có xây dựng một số giải pháp để triển khai thực hiện. Cụ thể là tập trung phát triển kinh tế tập thể và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; phát triển nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa. Ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để minh bạch hơn quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh thông tin để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hồng Dũng, Hội Luật gia tỉnh, nêu hiện nay có tình trạng cây, con giống trôi nổi và thắc mắc về việc tỉnh đã sản xuất được những loại cây con giống chủ lực nào.

Thẳng thắn giải trình với đại biểu Dũng, ông Ngô Minh Long cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh không còn đơn vị Nhà nước sản xuất giống, nhưng có nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất giống. Hàng năm, ngành nông nghiệp đều tổ chức các đoàn thanh tra để kiểm tra các cơ sở này, khuyến cáo các cơ sở cần có tem nhãn, logo, đảm bảo chất lượng, uy tín cây giống. Bởi việc xử lý, xử phạt là rất nặng, lên đến hàng trăm triệu đồng nếu cung cấp giống không đảm bảo chất lượng.

“Thời gian tới, đối với công tác giống, chúng tôi tiếp tục rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra và sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp nhằm tổ chức lại ngành giống cho tỉnh”, ông Long nhấn mạnh. 

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Mở đầu phần chất vấn lãnh đạo ngành lao động tỉnh, đại biểu Huỳnh Thị Ngọc Hường, Hội Nông dân tỉnh, đề nghị lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ tình hình xuất khẩu lao động và thực trạng, giải pháp phòng ngừa tình trạng lao động nước ngoài bất hợp pháp hiện nay.

Giải đáp vấn đề này, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho rằng, 6 tháng qua, toàn tỉnh đã đưa 441 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 174 lao động đi làm việc tại Nhật, 46 tại Đài Loan, 214 lao động đi Hàn Quốc,… Qua phản ánh của đại biểu, cử tri, những tháng đầu năm, tình hình đưa lao động chủ yếu là đưa người cũ, người mới rất hạn chế, nhưng thực tế cho thấy, trong 214 lao động đi Hàn Quốc, có 91 đã đi trước, 120 đi lần đầu, chứ không phải tất cả là những người đã đi từ trước…

Vấn đề một số cá nhân, doanh nghiệp môi giới đưa người lao động bất hợp pháp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, về phía sở đã nắm được tình hình và cử thanh tra xuống tất cả các huyện, thị, thành. Qua ghi nhận tại huyện Long Mỹ, có 1 trường hợp, tại huyện Vị Thủy cũng có một số trường hợp nên lãnh đạo sở đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các địa phương nắm tình hình và sẽ xử lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

Về giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sở sẽ tranh thủ, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người lao động nắm đầy đủ thông tin về thị trường lao động và nhận thức đầy đủ cũng như đăng ký lao động phù hợp với các quy định pháp luật. Cùng với đó, sở đang nghiên cứu và dự kiến trình UBND tỉnh một cơ chế chính sách liên quan đến du học sinh trong thời gian tới.

Riêng đại biểu Nguyễn Thị Thúy Kiều, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, đề nghị lãnh đạo ngành lao động cho biết công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề nông thôn thời gian qua chất lượng chưa cao, nhận định này có đúng hay không và giải pháp của ngành trong thời gian tới?

Đồng tình với nhận định này, ông Trần Thanh Liêm cho rằng điều đó thể hiện qua một số mặt. Cụ thể như cơ sở đào tạo nghề của tỉnh hiện nay có 13, với quy mô đào tạo khoảng 14.000, trong đó đào tạo cao đẳng hàng năm khoảng 500, trung cấp khoảng 1.000, còn lại là sơ cấp. Do đào tạo nghề sơ cấp ngắn, lại chiếm tỷ lệ cao nên chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu của công việc.

Còn giải pháp cho vấn đề này, theo ông Trần Thanh Liêm, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh rà soát, sắp xếp, kiện toàn nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến cuối tháng 8, sẽ tổ chức hội thảo tại tỉnh và mời các đơn vị đào tạo có uy tín để hỗ trợ, giúp đỡ. Mặt khác, tăng cường, liên kết đào tạo với các trường đại học, cơ sở đào tạo có uy tín. Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; xây dựng kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đào tạo nghề nông thôn trong thời gian tới.

Du lịch có đóng góp nhưng tỷ trọng còn rất thấp

Mở đầu phần chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại biểu Phạm Anh Tuấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng ngành du lịch được kỳ vọng rất lớn, nhưng sau đại dịch vẫn chưa thể phục hồi tốt và đóng góp vào phát triển của tỉnh tương xứng theo tinh thần của Nghị quyết “4 trụ cột”. Từ đó, lãnh đạo sở có giải pháp gì để phát huy vai trò, vị thế của ngành trong thời gian tới.

Theo ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để hỗ trợ phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh đã mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông; đồng thời, thu hút một số nhà đầu tư về tỉnh đầu tư, xây dựng cơ sở phục vụ du lịch… Song, ngành nhận thấy rằng, du lịch dù có phục hồi nhưng vẫn còn chậm, thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào các sự kiện của tỉnh; nhiều dự án dù được triển khai nhưng còn chậm, thiếu các nhà đầu tư chiến lược, mặc dù đã được quảng bá, xúc tiến. Chưa kể, các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, điểm đến du lịch chưa tạo được sự thấp dẫn…

Cũng theo ông Khanh, hiện nay, tỷ trọng du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh chỉ chiếm 0,48%; tuy nhiên, ngành du lịch của Hậu Giang có tiềm năng, đủ điều kiện để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao mức đóng góp của ngành du lịch vào kinh tế thì cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần đổi mới tư duy về phát triển du lịch, về vị trí, vai trò của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung vào các sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết “4 trụ cột”.

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm đặc trưng, hình thành các thương hiệu địa phương của Hậu Giang; quan tâm phát huy tiềm năng, giá trị, văn hóa đặc trưng của Hậu Giang, lấy văn hóa làm bệ đỡ, nền tảng cho phát triển du lịch.       

Quan tâm về ngành thể thao của tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng thời gian qua, ngành có vận động viên tham gia đạt thành tích cao. Vì vậy, đại biểu mong muốn lãnh đạo sở đánh giá về thực trạng và giải pháp để nâng tầm vị thế của thể thao Hậu Giang trong thời gian tới.

 Làm rõ nội dung trên, ông Lê Công Khanh thông tin, hiện nay, 7/8 huyện, thị, thành có Trung tâm Văn hóa thể thao, riêng huyện Long Mỹ đang xây dựng; 51 xã có trung tâm văn hóa thể thao; 514/525 ấp có nhà văn hóa, khu thể thao; 76 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao cùng với 1.272 sân bãi, công trình luyện tập thi đấu các môn cầu lông, quần vợt, bóng đá…

Song, thực tế về cơ sở vật chất, công trình thể thao của tỉnh hiện nay còn thiếu, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, chủ yếu kiêm nhiệm. Về giải pháp căn cơ, theo ông Lê Công Khanh, trường hợp thiết chế thể thao còn thiếu, cần được quan tâm đầu tư đảm bảo đầy đủ. Đối với các đội tuyển, môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, ngành sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các vận động viên thành tích cao có cơ hội tập huấn, cọ sát hơn nữa, để nâng cao thành tích.

Đ.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>