Gia đình hạnh phúc, bạo lực lùi xa

16/06/2021 | 10:06 GMT+7

Thời gian qua, công tác gia đình luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm triển khai, qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cả cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Con cái chăm ngoan, vợ chồng ông Hoàng, bà Linh rất tự hào.

Cùng nhau chia sẻ

Xế chiều, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy đang loay hoay chuẩn bị nấu cơm, thì ông Nguyễn Văn Hoàng chồng bà đi thăm đồng về đến. Thấy vợ lu bu chuyện cơm nước, ông liền nhanh tay vào giúp vợ lặt rau, làm cá. Như thế vợ chồng cứ chia sẻ việc nhà với nhau, những điều tưởng như rất đơn giản nhưng là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ...

Chung sống với nhau gần 30 năm, lúc nào ông Hoàng, bà Ngọc cũng dành cho nhau tình cảm trọn vẹn nhất. Theo ông Hoàng, người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ý nói người chồng là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo những việc lớn như kiếm tiền, còn người vợ có vai trò chăm lo việc cơm nước, chăm sóc con cái. Với ông quan điểm này dường như đã cũ, trong cuộc sống ngày nay, vai trò của từng thành viên đều như nhau. Ông Hoàng cho biết: “Theo tôi, để có một gia đình hạnh phúc, thì các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, cùng nhau gánh vác, sẻ chia. Có như vậy, tổ ấm mới ấm êm, hạnh phúc”, ông Hoàng cho biết.

Đồng quan điểm với chồng, bà Ngọc cho rằng trong cuộc sống vợ chồng, quan trọng nhất là sự chia sẻ, nhất là những chuyện không vui càng phải nói cho nhau nghe. Bà Ngọc bộc bạch: “Với nhiệm vụ của Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 12, tôi thường xuyên đến gặp gỡ chị em để vận động thực hiện các mô hình, phong trào của hội, của địa phương. Có hôm đi làm từ sáng đến chiều tối mới về, cơm nước anh ấy đã chuẩn bị xong. Anh luôn động viên tôi cố gắng với công việc, anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi”.

Chung quan điểm mỗi thành viên trong gia đình phải biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau, gia đình ông Bùi Minh Hoàng và bà Trần Ngọc Linh, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ luôn tràn ngập tiếng cười và được nhiều người khen ngợi. Nhìn ngôi nhà vững chãi, rộng rãi, ít ai nghĩ rằng trước đây ông bà từng trải qua những tháng ngày chật vật, khó khăn. Bà kể, vợ chồng bà cưới nhau năm 1996 và được gia đình bên chồng cho 5 công đất ruộng. Những năm đó, năng suất lúa thấp, nhà thiếu trước, hụt sau, dẫu vất vả, tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền nhưng ông bà vẫn đặt hạnh phúc của gia đình là chuyện quan trọng nhất. Và gia đình nhỏ càng vui hơn khi người con gái đầu lòng chào đời. Bà Linh cho biết: “Ngoài làm ruộng, ai mướn giặm lúa, vợ chồng tôi cũng làm. Gia đình nuôi thêm trâu, từ từ mua máy xới, tôi còn may quần áo. Mỗi thứ cho thu nhập một ít, cuộc sống dễ thở hơn, dần dần có tích lũy, lo cho con ăn học đàng hoàng”. Nhờ đồng lòng, tích góp nên vợ chồng ông bà đã mua thêm đất làm ruộng và hiện nay được 30 công.

Trò chuyện cùng mọi người, bà Linh bảo rằng, khi sinh hai người con gái, có lúc, có khi bà cũng thấy buồn, bởi bà nghĩ rằng, con gái chân yếu tay mềm khó có thể tiếp chồng lo chuyện đồng áng. Như hiểu được suy nghĩ của bà, ông Hoàng luôn động viên, an ủi, bảo rằng ông không quan trọng con trai hay con gái, chỉ cần con ngoan ngoãn là được. Theo ông Hoàng, dẫu không có con trai, nhưng với ông bà hai cô con gái còn quý hơn vàng. “Con nào cũng con, tôi không quan niệm phải sinh cho bằng được con trai. Nhìn con ngoan ngoãn, chăm học thế kia, vợ chồng tôi hạnh phúc còn gì bằng”, ông Hoàng chia sẻ.

Thấu hiểu tấm lòng và sự vất vả của cha mẹ, hai người con gái đều ngoan ngoãn, hiếu thảo và nỗ lực học tập. Hiện người con gái lớn đã lập gia đình, người con gái nhỏ đã học xong lớp 7. “Dù cuộc sống khó khăn hay đủ đầy, vợ chồng tôi cũng quan niệm phải xây dựng mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu thương”, bà Linh bộc bạch.

Thực hiện các mô hình, câu lạc bộ

Gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm và quyết tâm cao. Với những việc làm thiết thực, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hơn 5 năm đi vào hoạt động, mô hình “Gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đã góp phần làm thay đổi nhận thức người dân về công tác bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Theo bà Phan Thị Yến Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Bảy Ngàn, Ban chỉ đạo mô hình có 6 thành viên, mô hình được triển khai đến tận ấp với 7 tổ, có 49 thành viên tham gia. Các tổ sinh hoạt với nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… “Thông qua nội dung sinh hoạt của mô hình cũng như các tổ ở ấp, không chỉ giúp mọi người đã nâng cao nhận thức, mà mỗi thành viên còn tích cực vận động người thân, cộng đồng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, bà Linh cho biết.

Việc thành lập các câu lạc bộ, mô hình và duy trì bền vững đã tạo sức lan tỏa, thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay, toàn tỉnh có 55 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 29 câu lạc bộ ngăn ngừa và giảm tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, 5 câu lạc bộ xây dựng gia đình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, 220 địa chỉ tin cậy…

Các câu lạc bộ, mô hình đi vào hoạt động là nơi để mọi người chia sẻ, đồng hành, cùng hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>