Chủ động phòng dịch tả lợn (heo) châu Phi

07/03/2019 | 05:54 GMT+7

Trước sự xuất hiện của bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi ở một số tỉnh phía Bắc, Hậu Giang đang chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân tăng cường cảnh giác với dịch tả lợn châu Phi.

Dịch bệnh lây lan nhanh

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể từ ngày 1-2 đến 3-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số heo chết và mắc bệnh phải tiêu hủy là 4.231 con; với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 279 tấn. Cục Thú y đã lấy 388 mẫu của 98 hộ chăn nuôi heo xung quanh các hộ có heo bệnh để xét nghiệm. Kết quả, đa số đều âm tính; có một số hộ có heo dương tính đã được chính quyền địa phương và cơ quan thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm vì lây lan nhanh, đồng thời không có vắc-xin phòng bệnh. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm “phòng là chính”.

Theo nhận định của các địa phương, dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, khó lường và liên tục phát hiện thêm các ổ dịch mới. Bên cạnh đó, dịch tả có khả năng đã xâm nhiễm ở một số nơi nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện ra hoặc người dân chưa khai báo. Do vậy, việc thống nhất triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ sản xuất, bảo vệ ngành chăn nuôi, bảo vệ đời sống của người dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai cấp bách các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, chỉ đạo huy động các cấp, các bộ, các ngành từ Trung ương đến địa phương cùng chung tay ngăn chặn tốt hơn và hiệu quả hơn nữa dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải phấp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ khống chế dịch tả lợn (heo) châu Phi tại địa phương mình quản lý… Nêu cao tính công khai minh bạch, chống tiêu cực; phát huy vai trò giám sát thực hiện của UBMTTQ các cấp. Riêng đối với người chăn nuôi, Thủ tướng yêu cầu cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý dịch).

Tăng cường công tác phòng bệnh

Ngay sau hội nghị, các tỉnh, thành đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm. Tại Hậu Giang, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường ở mức cao. Đặc biệt là ở địa bàn giáp ranh, lực lượng thú y và các ngành liên quan triển khai các hoạt động kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y khâu giết mổ. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về các biểu hiện và tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy cũng đã rà soát tổng đàn gia súc trên địa bàn, thống kê tổng đàn hiện có trên 10.000 con. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, trạm đã chỉ đạo thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh. Kết hợp với địa phương tiêu độc khử trùng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh, đồng thời cử đội kiểm dịch lưu động kiểm tra các điểm chợ. Thường xuyên kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, khu nuôi nhốt gia súc; khuyến cáo chủ cơ sở phải tiêu độc hàng ngày. Đối với cán bộ kiểm soát giết mổ, phải túc trực thường xuyên đảm bảo heo xuất nhập vào cơ sở phải được kiểm tra trước khi được giết mổ. Ngoài ra, phối hợp với Đài truyền thanh tuyên truyền, vận động người dân phòng chống, cảnh giác cao với dịch bệnh. “Đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi đã chỉ đạo thú y xã vận động tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh và tiêu độc khử trùng thường xuyên. Khi có bệnh, phải khai báo cho cơ quan chức năng sớm nhất”, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, thông tin.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, qua những thông tin trên thế giới và trong nước, cũng như qua những văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có nhấn mạnh mức độ quan trọng của dịch tả lợn châu Phi vì loại bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Đối với Hậu Giang, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực I. Xác định được mức độ nguy hiểm nên ngay sau khi nhận được những văn bản, công điện, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh khẩn trương giao ngành chuyên môn tham mưu, ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hậu Giang.

Do tính chất đặc thù, quy mô đàn ở Hậu Giang nhỏ với khoảng 150.000 con, trong đó trên 76% phát triển kinh tế hộ và chỉ có khoảng 24% mang tính chất trang trại với trên 34.000 con. Với tính chất phức tạp như thế, tỉnh đang tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các văn bản chỉ đạo để người chăn nuôi, chủ các trang trại, các lò giết mổ biết về nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh để xử lý khi phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm soát chặt các nguồn chăn nuôi, chủ trang trại, hộ nuôi nhỏ lẻ, các lò giết mổ tập trung nắm rõ nguồn gốc. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành giao thông kiểm soát các nguồn đầu vào; tập trung hướng dẫn người chăn nuôi, các trang trại, lò giết mổ thực hiện đúng quy trình, đảm bảo không để xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trường hợp khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, tỉnh cũng đã đưa ra một số giải pháp như khẩn trương tiêu độc khử trùng, khoanh vùng thực hiện đúng quy định. Đồng thời, sẵn sàng xuất nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để đảm bảo hóa chất, vật tư, nhu cầu cần thiết cho ngành chuyên môn xử lý kịp thời cũng như hỗ trợ theo quy định của Trung ương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút chỉ gây bệnh ở heo nuôi và heo rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Heo bệnh có khả năng chết đến 100%. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Vi-rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của heo. Bệnh lây trực tiếp từ heo bệnh sang heo chưa mắc bệnh, sản phẩm heo mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh… Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>