Trả lời kiến nghị của cử tri

03/05/2024 | 08:10 GMT+7

Các vấn đề về độc quyền sản xuất, phân phối, cung cấp điện, về giá xăng dầu vừa được Bộ Công thương trả lời cụ thể đến cử tri Hậu Giang mà trước đó nêu lên tại các cuộc tiếp xúc.

Điện lực Hậu Giang nâng cấp đường điện phục vụ người dân mùa khô năm 2024.

Cử tri kiến nghị:

Xem xét tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện để các tổ chức, cá nhân có năng lực có thể tham gia vào việc lắp đặt, sản xuất, cung cấp và phân phối điện. Đây là ngành công nghiệp tác động trực tiếp đến giá cả thị trường, trong thời gian qua cho thấy giá điện mỗi năm càng tăng, cung cấp điện chỗ dư thừa, chỗ thiếu hụt trong khi năng lực sản xuất điện Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Bộ Công thương trả lời:

Hiện tại, việc tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào khâu phát điện và phân phối bán lẻ điện đã từng bước giảm dần về thị phần, thay vào đó, tỷ trọng tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động của ngành điện có xu hướng tăng dần theo thời gian, cụ thể như sau:

Đối với khâu phát điện: Đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động phát điện, bao gồm nhà nước, tư nhân, nhập khẩu, nước ngoài. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tính đến tháng 11-2023, tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong khâu phát điện như sau: EVN chiếm 13%, PVN chiếm 8%, TKV chiếm 2%, Genco 1 chiếm 9%, Genco 2 chiếm 5%, Genco 3 chiếm 7%, các nhà máy điện BOT chiếm 11%, tư nhân chiếm 42% và nhập khẩu điện chiếm 2%.

Đối với khâu phân phối bán lẻ điện: Bên cạnh 5 Tổng công ty điện lực thực hiện chức năng phân phối, bán lẻ điện cho các khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chiếm khoảng trên 90% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, còn có khoảng hơn 1.000 tổ chức thuộc tư nhân hoặc cổ phần, các hợp tác xã thực hiện cung ứng điện cho khách hàng, chiếm khoảng gần 10% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.

Cử tri kiến nghị:

Xem xét về cơ chế quản lý, phân phối xăng dầu: Đây là mặt hàng thiết yếu đặc biệt cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất là chi phí đầu vào của sản phẩm. Giá xăng, dầu lên xuống bất thường chạy theo giá thị trường thế giới, trong khi Việt Nam khai thác, chế biến, phân phối xăng dầu trong nước tương đối đáp ứng nhu cầu, cần có chính sách bình ổn về giá, đảm bảo đời sống của người dân được ổn định.

Bộ Công thương trả lời:

Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014 và Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Ngày 30-12-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 40% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2023.

Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tại Nghị quyết số 164 ngày 4-10-2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10-2023”.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 30.

Theo đó, xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít. Từ ngày 1-10-2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg). Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2023 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, áp dụng đến hết năm 2024.

Theo đó: Xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờm: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 31-12-2024…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>