WHO kêu gọi ngăn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch

01/08/2022 | 07:33 GMT+7

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch toàn cầu như Covid-19.

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới hiện ghi nhận hơn 22.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng khoảng 5.000 trường hợp so với một tuần trước đó.

Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên của đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi đây là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Điều đó đồng nghĩa với việc WHO đánh giá đợt dịch này là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và các nước cần phối hợp để ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu.

Trong đợt dịch đậu mùa khỉ này, phần lớn số ca bệnh ghi nhận đến nay là ở châu Âu, đặc biệt trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.

Hiện nay, Mỹ được xác định là quốc gia có số ca nhiễm đậu mùa khỉ nhiều nhất trên thế giới và New York đang trở thành bang điểm nóng về căn bệnh này. Theo tờ NBC New York, tuyên bố được đưa ra khi tính tới ngày 29-7, Cơ quan Y tế của bang này ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, đa phần các ca bệnh được xác định là ở thành phố New York với gần 1.300 trường hợp, tăng khá nhanh so với vài ngày trước. Điều đáng nói khác là số ca mắc được ghi nhận có thể thấp hơn so với thực tế nhưng vẫn chiếm hơn 1/4 tổng số người nhiễm tại Mỹ.

Australia tuyên bố sự lây lan của đậu mùa khỉ là một “sự cố bệnh truyền nhiễm có ý nghĩa quốc gia”. Ấn Độ cũng đang gấp rút đối phó bằng cách đàm phán vắc-xin và nâng cao năng lực xét nghiệm với tổng cộng 15 phòng xét nghiệm đã được cấp phép đối với căn bệnh này.

Giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo, sau tất cả những bài học kinh nghiệm với đại dịch Covid-19, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu.

Nếu không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, vi-rút đậu mùa khỉ sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.

Thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần, nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh này vẫn ở mức 6-16%. Hiện số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đậu mùa khỉ là 10%.

Để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp phòng, chống tức thời, trong đó chiến lược “tiêm vắc-xin có chủ đích” theo khuyến nghị của WHO là phương án được lựa chọn.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại nguy cơ lặp lại các bất bình đẳng nghiêm trọng từng xảy ra trong đại dịch Covid-19, bao gồm phân bổ vắc-xin không đồng đều.

Các nhà khoa học cho rằng không giống các chiến dịch ngăn chặn Covid-19, việc tiêm phòng đại trà ngừa đậu mùa khỉ sẽ không cần thiết. Thay vào đó, sử dụng có mục tiêu các liều vắc-xin sẵn có, cùng với các biện pháp khác có thể ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lan rộng.

Tuy đậu mùa khỉ khó lây lan hơn nhiều so với Covid-19 nhưng các chuyên gia cảnh báo nếu bệnh lan rộng sang các khu vực lớn - hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu về vắc-xin có thể tăng lên.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>