Tương lai bất định của Sri Lanka

21/07/2022 | 11:20 GMT+7

Mặc dù đã có quyền tổng thống và bộ máy chính quyền mới nhưng Sri Lanka vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nghiêm trọng vì nhiều lý do.

Binh sĩ được triển khai giữ trật tự tại Colombo, Sri Lanka, ngày 13-7. Nguồn: AFP

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, chính phủ tiền nhiệm ở nước này đã che giấu sự thật về cuộc khủng hoảng tài chính làm tê liệt Sri Lanka. Theo đó, mặc dù chính phủ của cựu lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa không nói ra sự thật nhưng trên thực tế Sri Lanka đã phá sản mà không lối thoát.

Từ thực tế trên, hôm 18-7, ông Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn xã hội cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này. Thông báo nêu rõ đây là biện pháp “phù hợp, vì lợi ích an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng cũng như duy trì các nguồn cung ứng và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng”.

Ông Wickremesinghe đang chạy đua để trở thành Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka. Ông đang nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền Podujana Peramuna nhưng sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 ứng viên khác.

Chính yếu tố này đã khiến ông đã mạnh dạn tuyên bố: “Chúng ta phải vươn lên bằng nỗ lực của bản thân. Chúng ta không cần 5 năm hay 10 năm nữa. Cuối năm sau, chúng ta hãy bắt đầu ổn định và chắc chắn là tới 2024, Sri Lanka sẽ có một nền kinh tế vận hành và bắt đầu phát triển”.

Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu ra nhà lãnh đạo mới. Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sĩ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay.

Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng.

Từ tháng 4-2022, Sri Lanka đã lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đi kèm với thiếu điện, thiếu lương thực, xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác. Từ đó đến nay, quốc gia này liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình và đụng độ đòi Tổng thống và Thủ tướng từ chức, lập lại chính quyền mới. Người biểu tình đã tấn công và chiếm cả dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe buộc hai ông này từ chức. Sau khi chạy ra nước ngoài và tuyên bố từ chức, ông Rajapaksa quyết định bổ nhiệm Thủ tướng Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Wickremesinghe nhanh chóng tiếp nhận quyền lực mới và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mà không đề cập gì đến cam kết rút lui trước đó.

Tuy nhiên, Nishan de Mel, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Verite, trụ sở tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, khẳng định: “Tỷ lệ tín nhiệm của các lãnh đạo Sri Lanka luôn rất thấp trong hơn 6 tháng gần đây, đồng nghĩa họ đã đánh mất uy tín. Họ chỉ đồng ý từ chức sau các cuộc biểu tình lớn vừa qua. Khi người biểu tình trở về nhà, chưa lá đơn nào được nộp”. Điều này đang làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe có thực sự muốn rút lui theo yêu cầu của người biểu tình, hay chỉ đang trì hoãn, kéo dài thời gian phục vụ các tính toán chính trị của mình.

Giới quan sát cho rằng, cho dù hệ thống chính trị có thay đổi thì Sri Lanka vẫn chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng không lối thoát trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, ngoài uy tín của chính phủ bị suy giảm, kinh tế quốc gia Nam Á này cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka cũng cần đến những thay đổi sâu rộng như với hệ thống chính trị, đó là nhận định chung của các chuyên gia.

Ngày 20-7, Quốc hội Sri Lanka gồm 225 thành viên tiến hành bầu tổng thống mới thay thế ông Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước và thông báo từ chức hồi tuần trước. Kết quả bầu cử sẽ được công bố trong nay mai. Tổng thống mới sẽ phục vụ trong thời gian nhiệm kỳ còn lại của ông Rajapaksa tới tháng 11-2024.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>