Tranh chấp biên giới “phủ bóng đen” lên quan hệ Ấn – Trung

24/08/2022 | 07:32 GMT+7

Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã “phủ bóng đen” lên quan hệ hai quốc gia đông dân nhất trên Trái đất này vẫn chưa có hồi kết.

Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí cùng nhau duy trì ổn định trên thực địa và tránh bất kỳ sự cố mới nào ở khu vực Đông Ladakh. Nguồn: National Herald India

Mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng, việc Trung Quốc coi thường thỏa thuận biên giới và sự bế tắc tại thung lũng Galwan đã “phủ bóng đen” lên quan hệ Ấn - Trung.

Ông S.Jaishankar cho biết: “Chúng ta có những thỏa thuận với Trung Quốc từ những năm 1990, trong đó có nội dung về cấm đưa quân số đông tới khu vực biên giới này. Tuy nhiên, họ (Trung Quốc) đã coi thường thỏa thuận đó. Vấn đề này đã không được giải quyết và thực trạng đó rõ ràng đang “phủ bóng đen” lên mối quan hệ song phương”.

Ông S.Jaishankar nhấn mạnh: “Họ là láng giềng của chúng ta. Mọi người đều muốn hòa thuận với hàng xóm. Tuy nhiên, mọi người chỉ có thể hòa hợp trong điều kiện hợp lý. Hai bên phải tôn trọng lẫn nhau”. Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết thêm, mối quan hệ lâu dài không thể là con đường một chiều và các bên cần tôn trọng lẫn nhau để duy trì liên kết đó.

Tuần trước tại Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar tuyên bố mối quan hệ Ấn - Trung đang trải qua “giai đoạn cực kỳ khó khăn” sau những gì Bắc Kinh đã làm ở khu vực biên giới chung. Đồng thời, ông khẳng định rằng một Thế kỷ châu Á sẽ không trở thành hiện thực nếu hai quốc gia láng giềng này không cùng chung tay.

Trong một động thái liên quan, hãng thông tấn ANI rằng, nước này và Trung Quốc nhiều khả năng thiết lập đường dây nóng giữa các lực lượng không quân nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng và để trực tiếp thảo luận các vấn đề về biên giới chung. Các cuộc thảo luận về vấn đề này diễn ra trong bối cảnh không quân Trung Quốc gần đây tiến hành các hoạt động ở Đông Ladakh.

Vấn đề tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Hơn 30 năm qua, tình hình căng thẳng ở biên giới giữa Trung - Ấn diễn ra gay gắt, thậm chí là xảy ra xung đột đẫm máu, vào năm 2013, 2014, 2017 và 2019. Đây là rào cản phá hoại hòa bình và ổn định ở biên giới hai nước.

Đáng quan ngại là mặc dù thời gian qua, Bắc Kinh và New Delhi liên tục xúc tiến đàm phán hòa bình nhưng cùng lúc cả hai đều tiến hành xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng dọc biên giới. Hai bên hiện vẫn tiếp tục duy trì hơn 50.000 binh lính mỗi bên, cùng với vũ khí hạng nặng dọc biên giới, bất chấp nhiều vòng đàm phán ngoại giao và quân sự. Đây là bước chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh quy mô lớn nếu căng thẳng gia tăng.

Trong quá khứ, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngay từ năm 1950, cắt đứt quan hệ với Đài Loan, ủng hộ Trung Quốc thay Đài Loan (Trung Quốc) ở Liên Hiệp Quốc và sau đó liên tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Mãi đến năm 1995, Ấn Độ mới lập văn phòng đại diện tại Đài Bắc và luôn chú ý duy trì quan hệ này ở cấp độ thấp để tránh phật lòng Bắc Kinh.

Ông Raja Mohan, giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Nam Á (ISAS) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á New Delhi (Ấn Độ), cho rằng: “Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã tránh sử dụng thuật ngữ “Một Trung Quốc” trong các tuyên bố song phương nhằm tìm kiếm sự có đi có lại. Đằng sau việc từ chối đề cập trực tiếp cụm từ “Một Trung Quốc” ẩn giấu sự thay đổi tương đối về lập trường của New Delhi”.

Về vấn đề Đài Loan, ông Mohan cho rằng, New Delhi và nhà cầm quyền Đài Bắc có lẽ đang muốn tạo một đối trọng ổn định ở châu Á để hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cả hai dường như tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Washington và các đồng minh của Mỹ.

Chính những động thái gần đây của hai phía đã khiến lời giải cho bài toán tranh chấp biên giới Trung - Ấn đã khó nay càng khó hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>