Thời tiết đối nghịch gây thiệt hại lớn

16/08/2022 | 10:03 GMT+7

Trung Quốc cùng lúc bị ảnh hưởng bởi lũ quét gây chết người và nắng nóng hơn 40oC.

Một nửa diện tích Trung Quốc chìm trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: REUTERS

Mưa lớn đến rất lớn trút xuống nhiều khu vực thuộc 2 tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm từ ngày 14 đến chiều 15-8. Chính quyền TP.Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 14-8 cho biết 7 người đã thiệt mạng và 3 người bị thương ở TP.Bành Châu, sau khi lũ quét do mưa lớn tấn công điểm du lịch nổi tiếng cách Thành Đô 70km này.

Ngược lại, cảnh báo đỏ (mức cao nhất) về nhiệt độ cao được tái ban bố ở một vùng rộng lớn tại miền Nam Trung Quốc. Nhiệt độ trong ngày 14-8 dao động ở mức 35-39oC tại nhiều nơi thuộc Tân Cương, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông…, thậm chí vượt qua 40oC ở phía Đông TP.Thượng Hải, Hà Nam, An Huy, Trùng Khánh...

Những hình thái thời tiết cực đoan khác nhau xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc. Trong khi thành phố Bắc Kinh trải qua nhiều ngày mưa bất thường, từ đầu năm đến nay, thành phố Thượng Hải ghi nhận 6 ngày nắng nóng trên 40oC. Trong 150 năm qua, thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân chỉ có 20 ngày nắng nóng trên 40oC. Riêng ngày 11-8, nhiệt độ đo được là 40,6oC.

Bộ Thủy lợi nước này cho biết, mực nước các dòng chính của sông Dương Tử (Trường Giang) đã xuống mức thấp kỷ lục, khiến 9,67 triệu mẫu đất canh tác ở 6 tỉnh, thành bị hạn hán, 830.000 người bị ảnh hưởng.

Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tỉnh Giang Tô cảnh báo nhiệt độ mặt đường có thể lên đến mức 72oC, gây nguy cơ làm hư bánh xe. Một số biện pháp khẩn cấp được đề xuất gồm ngưng hoạt động ngoài trời, chú trọng phòng cháy chữa cháy và chăm sóc các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nhiều nhà khoa học tại CMA dự báo đợt nắng nóng hiện nay có thể kéo dài thêm 1-2 tuần nữa và các khu vực ở hạ lưu sông Dương Tử, Hoàng Hà bị ảnh hưởng nặng nhất. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này, theo chuyên gia Zheng Fei của Viện Vật lý khí quyển thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, là do một vùng xoáy nghịch cận nhiệt đới mở rộng - một phần của hiện tượng La Nina.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước châu Âu và các bang của Mỹ nằm cùng vĩ độ cũng “quay cuồng” trong xoáy nghịch nói trên. Tại Italia, hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua đã làm nước hồ Garda - hồ lớn nhất nước - giảm xuống gần mức thấp kỷ lục hồi năm 2003 và 2007. Trong khi đó, nhiệt độ nước hồ đứng ở mức 26oC, cao hơn mức trung bình 22oC của tháng 8 hàng năm.

Nhiều nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Hà Lan và Anh đang chịu đựng tình trạng khô hạn, khiến nông dân và các hãng vận chuyển bằng tàu thuyền bị thiệt hại, còn chính quyền các địa phương phải hạn chế sử dụng nước. Mực nước sông Rhine ở Đức và nguồn nước sông Thames ở Anh đều đang suy giảm.

Nước Anh vừa trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935, với lượng mưa chỉ bằng 35% mức trung bình của tháng này. Nắng nóng đến mức, theo báo The Guardian, các chuyên gia cảnh báo vách đá ở các bờ biển phía Nam nước Anh có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Tại Pháp, hơn 1.000 lính cứu hỏa nước này - với sự trợ giúp của hàng trăm lính cứu hỏa đến từ Đức, Romania, Hy Lạp… - đã khống chế được trận cháy rừng “quái vật” ở vùng Gironde. Nhờ vậy, giới chức trách có thể mở cửa lại tuyến cao tốc gần đó. Bùng phát từ đầu tuần trước, trận cháy rừng được tiếp sức bởi gió và nhiệt độ lên tới hơn 40oC những ngày gần đây, khiến hơn 10.000 người phải sơ tán.

Khoảng 60.000ha rừng đã bị thiêu rụi tại Pháp trong năm nay, gấp 6 lần mức bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006-2021, theo dữ liệu của Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu. Dự kiến nhiệt độ tại Pháp hạ xuống chút ít sau các trận bão đêm 13-8 (giờ địa phương) song lại dẫn đến các cảnh báo thời tiết nghiêm trọng khác.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>