Thỏa thuận hạt nhân với Iran càng khó phục hồi

19/07/2022 | 18:29 GMT+7

Việc Iran tuyên bố có khả năng chế tạo bom hạt nhân đã dấy lên quan ngại JCPOA khó được phục hồi vì nhiều lý do.

Một cơ sở hạt nhân tại Iran. Ảnh: AP

Ông Kamal Kharrazi, Cố vấn cấp cao của Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, cho biết Iran có khả năng kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng hiện vẫn chưa quyết định làm như vậy. Cụ thể, ông Kharrazi khẳng định: “Trong vài ngày, chúng tôi có khả năng làm giàu urani lên tới 60% và có thể dễ dàng sản xuất urani làm giàu 90%”. Điều này đồng nghĩa với việc Iran có các công cụ kỹ thuật để chế tạo bom hạt nhân vượt ngoài mong đợi của các quốc gia liên quan.

Tuyên bố của ông Kharrazi đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Washington sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên tiếng phản đối một số bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du Trung Đông vừa qua mà Tehran cho rằng đang kích động tâm lý bài Iran trong khu vực. Đồng thời tái khẳng định chính sách chiến lược của Tehran là tìm cách sử dụng công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình trong khuôn khổ luật pháp và quy tắc quốc tế. Iran cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Iran sẽ không theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ và Liên Hiệp Quốc sẽ xóa bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời hỗ trợ Iran phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, năm 2018, chính quyền Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA, với cáo buộc Tehran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Sau đó, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Về phía Iran, Tehran cũng dần đình chỉ các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân, đồng thời lắp đặt các thiết bị làm giàu urani mới. Cho đến nay, Iran đã có đủ điều kiện để phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, các quốc gia còn lại trong Nhóm P5+1 đã nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân từ tháng 3 đến nay nhưng chưa đem lại kết quả nào. Mỹ và Iran liên tục đổ lỗi cho nhau về việc đàm phán không tiến triển. Iran vẫn cho rằng Mỹ có trách nhiệm phải trở lại thỏa thuận ban đầu và dỡ bỏ trừng phạt đối với Tehran. Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Iran đã nêu ra nhiều yêu cầu mới trong quá trình đàm phán.

Trong khi Nga và Iran đã nhất trí tăng cường đối thoại và đưa ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử vì mục đích hòa bình trong thời gian tới thì Mỹ và một số quốc gia Trung Đông lại quyết tâm ngăn chặn Iran theo đuổi chương trình hạt nhân.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Yair Lapid đã ký tuyên bố chung ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuyên bố chung được đăng tải trên website của Nhà Trắng, khẳng định Mỹ và Israel cam kết không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ sẵn sàng sử dụng mọi yếu tố sức mạnh quốc gia để đảm bảo điều đó.

Mặt khác, Mỹ và Saudi Arabia trước đó cũng đã ra tuyên bố chung bao gồm nội dung thống nhất về tầm quan trọng của việc ngăn chặn Iran đạt được vũ khí hạt nhân. Mỹ và Saudi Arabia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục răn đe sự can thiệp của Iran vào vấn đề nội bộ của các nước khác, sự ủng hộ của Iran đối với chủ nghĩa khủng bố thông qua các lực lượng ủy nhiệm, cũng như nỗ lực của Iran nhằm gây bất ổn an ninh trong khu vực.

Những động thái trên vô hình trung đã đẩy đàm phán nối lại JCPOA ngày càng xa hơn với mong muốn của các quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>