Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công Syria ?

08/07/2022 | 07:58 GMT+7

Lăm le tấn công Syria dưới chiêu bài tiêu diệt khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiều quốc gia chỉ trích và lên tiếng cảnh báo.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công vào Syria. Ảnh: Arabnews

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ngay sau khi công tác chuẩn bị về quân sự và an ninh kết thúc, Ankara sẽ nhắm mục tiêu vào các nhóm vũ trang “khủng bố” người Kurd ở ít nhất 2 thành phố Tal Rifaat và Manbij của Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, ông Erdogan muốn và tấn công Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) người Kurd và thiết lập một “vùng an toàn” sâu 30km trên đất Syria. Ankara cho rằng YPG có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng đã tiến hành các chiến dịch vũ trang chống đối Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ba hoạt động quân sự vào Syria kể từ năm 2016 tới nay gây ra không ít thương vong trong đó có dân thường.

Một số chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng chiến dịch ở Syria như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán gần đây với Mỹ. Bởi người Kurd ở Syria được Mỹ coi là đồng minh quan trọng chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ xem SDF cùng với YPG đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ chống IS ở Syria nên đã trang bị vũ khí cho SDF để tấn công IS. Từ đó đã làm rạn nứt quan hệ giữa Ankara và Washington. Mỹ đã cảnh báo rằng, bất kỳ hoạt động nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đều có thể khiến quân đội Mỹ gặp rủi ro và phá hoại cuộc chiến chống khủng bố IS.

Trong khi đó, Iran cũng đã lên tiếng phản đối chiến dịch đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với Nga, Iran là đồng minh và là nước ủng hộ quân sự lớn nhất cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Iran lâu nay theo đuổi chính sách đối ngoại “cân bằng” như một phần trong kế hoạch của Tổng thống Ebrahim Raisi nhằm mở rộng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Tehran muốn thúc đẩy ngoại giao khu vực.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã thể hiện thái độ mềm mỏng khi gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng như Tổng thống Erdogan tại Ankara hồi tháng 6 vừa qua. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Iran sẽ không phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria.

Tuy nhiên, trong chuyến đi tới Damascus cuối tuần trước, ông Abdollahian nói với Tổng thống al-Assad rằng Tehran phản đối giải pháp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và tin rằng chỉ có đối thoại mới có thể giải quyết được tình hình. Iran sẽ cố gắng làm trung gian để giúp giải quyết những bất đồng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới phân tích cho rằng, kế hoạch về hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria ngoài gây sức ép trong đàm phán với Mỹ, ông Erdogan còn muốn tăng thêm uy tín và thu hút cử tri ủng hộ mình trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Theo ông Ali Golmohammadi, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Tarbiat Modares ở Tehran, trong thập kỷ qua, Tổng thống Erdogan đã tận dụng các vấn đề chính sách đối ngoại để thu hút cử tri trước cuộc bầu cử. Đặc biệt trong 5 năm qua, một trong những chính sách của ông Erdogan là nội bộ hóa các vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến người Kurd ở miền Bắc Syria và Iraq để giành được phiếu bầu của những người theo chủ nghĩa dân tộc”.

Mặc dù Iran và cả Mỹ đã nỗ lực để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria nhưng những động thái gần đây của Ankara cho thấy họ đã sẵn sàng cho kế hoạch quân sự này. Điều này đồng nghĩa sẽ nổ ra một cuộc chiến mới trong lòng Syria dù mục đích của các bên liên quan là cùng chống IS, nhưng quan điểm thì bất đồng. Đây sẽ là gánh nặng với đất nước Syria vốn đã nhiều năm qua bị chiến tranh triền miên.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>