Thêm phát hiện mới về hiệu quả tiêm vắc-xin

13/09/2021 | 07:29 GMT+7

Theo các nhà nghiên cứu, người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, sau khi được tiêm một mũi vắc-xin, có thể hình thành hàng rào miễn dịch vững chắc ngăn ngừa mọi loại biến thể.

Một số người có khả năng miễn dịch mạnh mẽ đã từng nhiễm SARS-CoV-2 và sau đó được tiêm vắc-xin. Ảnh minh họa: Getty Images

Theo tờ Independent, lượng kháng thể sản sinh ở những người này mạnh mẽ đến mức vô hiệu hóa toàn bộ 6 biến thể đáng lo ngại của Covid-19 hiện nay, bao gồm cả biến thể Delta.

Ở những người nhiễm Covid-19 và sau đó khỏi bệnh, cơ thể những người này đã sản sinh kháng thể tự nhiên. Mũi vắc-xin tiêm sau đó đóng vai trò thúc đẩy hệ miễn dịch vô hiệu hóa vi-rút SARS-CoV-2 một cách mạnh mẽ hơn. Các nhà khoa học mô tả hiện tượng này là một dạng “miễn dịch hỗn hợp”.

Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 8, Paul Bieniasz, giáo sư chuyên về vi-rút, đến từ Đại học Rockerfeller và các cộng sự đã tìm hiểu khả năng ngăn ngừa Covid-19 ở 14 bệnh nhân từng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, nay được tiêm một liều vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna.

Theodora Hatziioannou, chuyên gia vi-rút Đại học Rockerfeller, đồng tác giả nghiên cứu, nói nhóm trên là những người chống chịu hiệu quả nhất trước các biến thể Covid-19.

“Kháng thể trong máu họ thậm chí có thể vô hiệu hóa vi-rút SARS-CoV-1, chủng vi-rút corona từng gây ra đại dịch SARS 20 năm trước. Vi-rút này rất khác vi-rút SARS-CoV-2”, chuyên gia Hatziioannou nói.

Chuyên gia Hatziioannou thừa nhận, hiện tượng này chưa được nghiên cứu một cách rộng rãi, với dữ liệu trong nghiên cứu chỉ đến từ 14 bệnh nhân.

“Chúng tôi mới chỉ có thể nghiên cứu ở quy mô hạn chế, bởi nghiên cứu này tốn rất nhiều công sức và phức tạp. Nhưng ở tất cả bệnh nhân, chúng tôi đều thấy cùng một hiện tượng”, bà Hatziioannou nói.

“Dựa trên phát hiện của chúng tôi, có vẻ như hệ miễn dịch của con người cuối cùng đã chiến thắng vi-rút. Trong tương lai, vi-rút SARS-CoV-2 có thể sẽ chỉ còn là một loại gây ra cảm cúm”, giáo sư Bieniasz cho biết.

Còn người được tiêm phòng đầy đủ giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 tới 11 lần, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện tới 10 lần. Đây là thông tin được Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đưa ra ngày hôm qua.

Trong thông báo của mình, cơ quan này nhấn mạnh hiệu quả thực tế của vắc-xin phòng Covid-19 trong việc ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.

Một vấn đề khác là trong khi các nước thu nhập cao đã và đang chuẩn bị triển khai chương trình tiêm mũi  vắc-xin Covid-19 tăng cường thì giáo sư Sarah Gilbert, người đứng đầu dự án phát triển vắc-xin AstraZeneca, đã đưa ra tuyên bố rằng mũi tiêm thứ ba này là không cần thiết đối với đa số.

Theo bà, mũi vắc-xin tăng cường nên chỉ dành cho những người bị suy giảm miễn dịch và người cao tuổi, vì với hầu hết mọi người thì tiêm 2 liều là đủ. Giáo sư Gilbert cho rằng “cần phải chuyển vắc-xin đến các nước mới có ít người dân được tiêm phòng”.

Hiện một số quốc gia đã bắt đầu hoặc chuẩn bị tiêm mũi tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch và cả những người khỏe mạnh đã tiêm đủ liều. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đề nghị các nước thu nhập cao hoãn triển khai tiêm mũi tăng cường cho người khỏe mạnh ít nhất đến hết năm nay, để tạo điều kiện cho toàn bộ các nước trên thế giới tiêm phòng được ít nhất cho 40% dân số.

Mới đây, nhà khoa học Gilbert, người thường được gọi là “mẹ đẻ” của vắc-xin AstraZeneca, đã được tôn vinh vì những đóng góp không mệt mỏi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 theo một cách độc đáo. Hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Mattel của Mỹ đã sản xuất phiên bản búp bê Barbie mô phỏng hình dáng của bà với mái tóc vàng cùng cặp kính gọng đen to quá khổ. Bà Gilbert hy vọng mẫu búp bê này sẽ giúp trẻ em nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đối với thế giới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>