Sóng nhiệt tấn công châu Âu

19/07/2022 | 01:26 GMT+7

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, nhiều khả năng châu Âu đang phải đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong hơn 2 thế kỷ.

Cháy rừng dữ dội gần khu vực Landiras - Pháp hôm 16-7. Ảnh: REUTERS

Hàng nghìn người trên khắp châu Âu đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di tản trong khi các đợt cháy rừng tàn khốc bùng phát do nhiệt độ tăng cao thiêu rụi các vạt rừng và đe dọa tới nơi sinh sống của người dân.

Cháy rừng đã tàn phá hàng nghìn héc-ta rừng gần Bordeaux, vùng sản xuất rượu vang Gironde của Pháp, cũng như miền Nam, miền Tây của Tây Ban Nha và hoành hành cả ở Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Hy Lạp.

Reuters dẫn lời chính quyền khu vực cho biết khoảng 14.000 người đã được sơ tán khỏi vùng Gironde - Pháp vào chiều 16-7. Hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa được huy động để kiểm soát cháy rừng trên diện tích hơn 10.000ha - tăng từ 7.300ha hôm 15-7 - tại khu vực này.

Pháp liên tục ghi nhận cháy rừng trong những tuần gần đây cùng với một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đợt nắng nóng ở miền Tây nước Pháp dự kiến đạt đỉnh vào ngày 18-7 với nhiệt độ hơn 40 độ C.

Tại Tây Ban Nha, hỏa hoạn bùng lên ở nhiều nơi sau nhiều ngày nhiệt độ cao bất thường lên tới 45,7 độ C. Theo số liệu của Viện Y tế Carlos III, đợt nắng nóng kéo dài gần 1 tuần qua đã cướp đi sinh mạng của 360 người ở Tây Ban Nha.

Hơn 3.000 người phải sơ tán do một vụ cháy rừng lớn gần Mijas, thị trấn du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Malaga. Ngọn lửa cũng tàn phá 3.000ha đất ở vùng Extremadura, đe dọa công viên quốc gia Monfrague và quét qua các khu vực Castille, Leon ở miền Trung và Galicia ở miền Bắc Tây Ban Nha.

Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ giảm hôm 16-7 sau nhiều ngày vượt ngưỡng 40 độ C. Viện Bảo tồn thiên nhiên và rừng Bồ Đào Nha thống kê tổng cộng 39.550ha đất đã bị tàn phá bởi cháy rừng từ đầu năm đến giữa tháng 6-2022, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết 238 người đã tử vong do đợt nắng nóng từ ngày 7 đến ngày 13-7, hầu hết là người cao tuổi có bệnh nền.

Tại Hy Lạp, lực lượng cứu hỏa ngày 16-7 xác nhận có 71 đám cháy bùng phát trong vòng 24 giờ. Ngày 17-7, hơn 150 lính cứu hỏa đã được huy động dập đám cháy rừng và nông trại xảy ra ở Rethymno trên đảo Crete từ ngày 15-7.

Trong khi đó, Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Anh vừa đưa ra cảnh báo “nhiệt độ cực cao” màu đỏ đầu tiên. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 độ C, ngày 25-7-2019. Nhiệt độ được cho là tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1757 trên khắp châu Âu. Một quan chức Tổ chức Khí tượng thế giới lưu ý đợt nắng nóng ở châu Âu sẽ giữ lại các chất ô nhiễm trong khí quyển, khiến chất lượng không khí suy giảm, đặc biệt là ở các thị trấn và thành phố.

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, nhiều khả năng châu Âu đang phải đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong hơn 2 thế kỷ - hiện tượng châm ngòi cho các đợt cháy rừng tàn khốc trong khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng ở mức kỷ lục tại nhiều khu vực khác của châu lục.

Đây là đợt sóng nhiệt thứ hai hoành hành ở các khu vực Tây Âu chỉ trong vài tuần. Các nhà khoa học cho rằng phần nào nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, đồng thời dự đoán sẽ còn nhiều giai đoạn thời tiết cực đoan gay gắt và thường xuyên hơn.

Bà Friederike Otto, nhà khoa học dẫn dắt sáng kiến World Weather Attribution, một nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu, cho rằng: Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy tình trạng sóng nhiệt ở châu Âu - cũng như tại nhiều khu vực khác.

“Những đợt sóng nhiệt vốn hiếm xảy ra, giờ lại phổ biến; những đợt sóng nhiệt từng là không thể có, nay lại diễn ra và khiến nhiều người tử vong”, bà Otto nhấn mạnh, “Sóng nhiệt sẽ còn trở nên tồi tệ hơn cho tới khi ngừng được tình trạng phát thải khí nhà kính”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>