Ô nhiễm rác thải nhựa - Bài toán khó

01/06/2023 | 07:45 GMT+7

Giải pháp để ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu đang được các quốc gia quan tâm tìm kiếm nhưng đây thật sự là bài toán khó.

Ảnh: AP

Mới đây, tại vòng đàm phán thứ hai về rác thải nhựa đang diễn ra tại Paris, Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: “Ô nhiễm nhựa - quả bom hẹn giờ, tai họa hiện hữu”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Ngày nay, không một nơi nào trên hành tinh mà không bị ô nhiễm nhựa. Tình hình đang ngày một trầm trọng, nếu chúng ta không làm gì thì tới năm 2060, lượng rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3 lần. Vì vậy, ô nhiễm nhựa vừa là quả bom hẹn giờ, vừa là tai họa hiện hữu”.

Tổng thống Pháp cũng cho rằng, ưu tiên số 1 của vòng đàm phàn này là giảm sản xuất nhựa và cấm càng sớm càng tốt những sản phẩm gây ô nhiễm nhất, như sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Và đúng là các cuộc tranh luận tại đàm phán hiện nay chủ yếu là giữa một bên là các nước muốn hạn chế việc sản xuất nhựa và bên kia là ngành hóa dầu đang vận động để giải pháp là tăng cường tái chế, chứ không phải giảm bớt sản xuất nhựa.

Phát biểu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rác thải nhựa đã và đang trở thành hiểm họa đối với nhân loại toàn cầu cần có giải pháp cấp bách và lâu dài để ngăn ngừa.

Tham gia vòng đàm phán lần này có đại diện của 175 nước với những mong muốn khác nhau, song mục tiêu lại rất tham vọng: Đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024, chi phối toàn bộ vòng đời của các sản phẩm nhựa.

Đại diện các quốc gia, đại diện các tổ chức dân sự tham gia vòng đàm phán xử lý rác thải nhựa tại trụ sở của UNESCO đều chung một nguyện vọng: Lên tiếng vì quyền được sống trong một môi trường sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe.

Đồng quan điểm trên, chủ trì đàm phán là Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cho rằng tổ chức này đã đưa ra dự thảo có nội dung là tới năm 2040, giảm 80% rác thải nhựa vào đàm phán. Bà Inger Andersen, Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ, cho rằng: “Chỉ có loại bỏ, giảm bớt, sử dụng cách tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa, minh bạch và chuyển tiếp công bằng thì mới mang lại thành công, bởi sự thật là chúng ta không thể tái chế mà thoát được khủng hoảng. Hạ tầng tái chế không thể đáp ứng được lượng rác thải nhựa hiện nay”.

Tuy nhiên, hiện các nước vẫn còn chưa thống nhất được về các vấn đề khác như tài chính và cách áp dụng các chính sách cũng như giám sát việc áp dụng như thế nào.

Theo số liệu chưa đầy của LHQ, lượng nhựa sản xuất hàng năm trên thế giới đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Ước tính, khoảng 70% số sản phẩm nhựa bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế.

Đáng quan ngại hơn, báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ cho hay, hiện có 13.000 hóa chất có trong quá trình sản xuất nhựa, hơn 3.000 hóa chất trong số này bị coi là độc hại. Thế nhưng, có tới 2/3 sản phẩm nhựa bị thải ra sau khi mới được dùng một hoặc một vài lần. Chưa đầy 10% được tái chế.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển. Giám đốc Chương trình Môi trường của LHQ, bà Inger Andersen khẳng định, việc đạt tới một thỏa thuận chung về chấm dứt ô nhiễm nhựa với ràng buộc cao về pháp lý là một điều cấp thiết hiện nay.

Thực tế, khó có thể loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống loài người, giải pháp khả thi hiện nay là các quốc gia trên thế giới cần chung tay hạn chế sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa sử dụng một lần và tăng cường các biện pháp tái chế rác thải nhựa nhằm giảm tối đa rác thải ra môi trường. Từng bước hướng đến thay thế hoàn toàn sản phẩm nhựa bằng sản phẩm dễ phân hủy gần gũi với môi trường. Có như vậy, mới có gỡ được ngòi nổ của quả bom rác thải nhựa.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>