Nga làm gì khi G7 áp giá trần với dầu mỏ ?

05/09/2022 | 07:28 GMT+7

Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 2-9 đã công bố ý định cấm dịch vụ hàng hải vận chuyển dầu của Nga nếu giá dầu của nước này không được các đối tác quốc tế chấp nhận.

Nga dọa ngừng bán dầu cho nước nào định khống chế giá trần với dầu của Nga. Ảnh: TASS

Theo tuyên bố chung được công bố hôm 2-9, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga.

Các bộ trưởng cho biết mức trần ban đầu sẽ dựa trên các yếu tố kỹ thuật và mức giá này sẽ được điều chỉnh lại khi cần thiết.

“Chúng tôi dự định điều chỉnh việc thực hiện (áp giá trần) phù hợp với tiến trình của các biện pháp liên quan thuộc gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU)”, tuyên bố cho biết thêm.

Các Bộ trưởng Tài chính G7 cho biết, họ đang nỗ lực hướng tới việc thiết lập một “liên minh rộng rãi” nhằm ủng hộ việc áp giá trần. Tuy nhiên, giới chức Pháp kêu gọi thận trọng, nói rằng quyết định cuối cùng chỉ có thể được đưa ra sau khi tất cả 27 thành viên của Liên minh châu Âu đồng ý.

Việc áp giá trần có thể cắt giảm nguồn thu tài chính quan trọng của Nga, trong khi vẫn cho phép Matxcơva duy trì nguồn cung dầu thô cho thị trường quốc tế. Trong thông báo trên trang Twitter, Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết: “Chúng tôi sẽ làm suy yếu khả năng của Nga trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine thông qua xuất khẩu dầu thô, bằng cách cấm các dịch vụ chẳng hạn như cung cấp bảo hiểm hay hỗ trợ tài chính đối với các tàu của Nga bán dầu với giá trên mức giá trần”.

Tuyên bố cho biết thêm, việc áp giá trần sẽ dựa trên một loạt các yếu tố và mức giá sẽ được đánh giá lại khi cần thiết.

Vào tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo phương Tây đã đồng ý thăm dò mức giá trần để giới hạn số tiền mà các nhà máy lọc dầu và thương nhân có thể trả cho dầu thô của Nga.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố họ sẽ không tuân thủ quy định này, thay vào đó, sẽ vận chuyển dầu thô đến các quốc gia không bị ràng buộc bởi giới hạn mà phương Tây đưa ra. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 1-9 cảnh báo rằng, các quốc gia ủng hộ áp mức giá trần sẽ không mua được dầu thô của Nga. “Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng ta sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng ta sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh”, ông Novak nói.

Chỉ trích kế hoạch phi thị trường của phương Tây, ông cho rằng: “Sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành quan trọng như ngành dầu mỏ, ngành quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng của toàn thế giới, sẽ chỉ gây bất ổn cho ngành dầu mỏ và thị trường dầu mỏ”.

Ông nhấn mạnh người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ hiện đang phải trả giá cao cho năng lượng. Chính người dân các nước này sẽ chịu hậu quả từ biện pháp khống chế giá trần với dầu của Nga đầu tiên.

Quan chức Nga khẳng định, nước này đang bơm nhiều dầu nhất có thể để sản xuất và bán vào thời điểm hiện tại, nhưng nếu điều kiện thị trường toàn cầu ổn định và các nhà sản xuất Nga có thể tìm thêm khách hàng thì sản lượng có thể được nâng lên.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 2-9 cảnh báo Matxcơva sẽ ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho Liên minh châu Âu nếu khối này áp giá trần.

“Đơn giản là sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu”, ông Medvedev tuyên bố.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh trừng phạt lên mặt hàng năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn đang chống chịu, thậm chí thu được lợi nhuận lớn hơn từ các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt chủ lực, trong khi nhiều nước châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn tới lạm phát kỷ lục.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>