Nắng nóng, hỏa hoạn xảy ra khắp nơi

18/08/2022 | 10:29 GMT+7

Nắng nóng, hỏa hoạn đã xảy ra nhiều nơi trên Trái đất làm hàng nghìn người rơi vào thảm cảnh không nơi cư trú.

Một đám cháy rừng gần Landiras, Tây nam Pháp. Ảnh: AP

Mới đây nhất, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một nhà thờ ở thành phố Giza của Ai Cập làm ít nhất 41 người đã thiệt mạng và 45 người bị thương. Sự cố xảy ra do chập điện khi tại nhà thờ Anu Sifin ở làng Imbaba của thành phố Giza có 5.000 tín đồ đang dự lễ. Sự cố đã khiến nhiều người hoảng loạn và dẫn đến thảm kịch giẫm đạp sau đó. Nguyên nhân gây thương vong lớn là do khói dày đặc từ đám cháy và hỗn hoạn khiến các nạn nhân giẫm đạp để cố gắng thoát ra ngoài.

Đây là một trong hàng trăm vụ hỏa hoạn đã và đang xảy ra ở châu Âu và châu Phi. Mới đây, giới chức vùng Aveyron, miền Nam nước Pháp cho biết, một đám cháy rừng tại đây đã bất ngờ tái bùng phát khiến trên 1.000 người sơ tán và thiêu rụi 1.260ha đất rừng.

Đám cháy tại Aveyron lần đầu bùng phát ngày 8-8 khi nước Pháp trải qua một mùa Hè khô hạn chưa từng có trong lịch sử với hàng loạt đám cháy lớn nhỏ rải rác ở nhiều nơi. Đáng chú ý, đám cháy này kéo dài gần một tuần và cơ bản đã được kiểm soát vào chiều 13-8. Tuy nhiên, sau đó đám cháy này tái bùng phát với mức độ dữ dội và nhanh chóng lan rộng diện tích hơn 500ha. Hậu quả là ít nhất 1.000 người dân thuộc làng Mostuejols, gần thành phố Millau phải sơ tán.

Trước đó, giới chức địa phương cũng đã sơ tán 3.000 người do ảnh hưởng của đám cháy này và sau đó đã được trở về nhà sau khi cơ quan chức năng khống chế được đám cháy. May mắn, không có trường hợp thương vong nào liên quan đến đám cháy.

Tại miền Đông nước Pháp, cảnh sát đã cấm người dân tiến vào khu vực rừng ở vùng Bas-Rhin gần biên giới Đức để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, Ba Lan, Áo và Romania đã cam kết cử 361 lính cứu hỏa và một số máy bay chữa cháy để hỗ trợ khoảng 1.100 lính Pháp đang vật lộn với các đám cháy.

Cùng thời gian này, Cơ quan Bảo vệ dân sự Bồ Đào Nha thông báo đã kiểm soát được đám cháy rừng lan rộng trên diện tích 17.000ha ở vườn quốc gia Serra da Estrela được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Jose Luis Carneiro gọi đám cháy này là một thảm kịch về môi trường. Bồ Đào Nha đã trải qua một tháng 7 nóng nhất trong gần 100 năm qua. Các đám cháy rừng xảy ra từ đầu năm đến nay đã thiêu rụi khoảng 79.000ha đất tại nước này.

Trước đó, hôm 14-8, ít nhất 1.500 người cũng phải sơ tán do cháy rừng bùng phát mạnh gần thị trấn Anon de Moncayo thuộc tỉnh Zaragoza, Đông bắc Tây Ban Nha, có nguy cơ lan tới khu vực dân cư.

Theo Hệ thống Thông tin về cháy rừng của châu Âu (EFFIS), mặc dù mùa Hè ở châu lục này chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng ở “Lục địa Già” với gần 660.000ha rừng bị tàn phá kể từ tháng 1 năm nay.

Hệ lụy của các vụ cháy rừng trong năm 2022 tại châu Âu đã khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy nhiều ngôi nhà và thiêu trụi các khu rừng ở các nước như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Dữ liệu từ EFFIS cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 659.541ha rừng tại châu Âu đã bị thiêu trụi, mức cao nhất kể từ khi hệ thống này bắt đầu thu thập dữ liệu hồi năm 2006.

Theo EFFIS, châu Âu đã phải hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán chưa từng có trong lịch sử mà theo giới chuyên gia về thời tiết, là do sự biến đổi khí hậu xuất phát từ các hoạt động của con người, gây ra. Những chuyên gia này cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dài hơn đang diễn ra tại châu lục trên và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 244.924ha rừng bị cháy, tiếp theo là Romania (150.528ha rừng) và Bồ Đào Nha (77.292ha).

Các nhà khoa học cho rằng, nắng nóng, hỏa hoạn sẽ còn diễn biến phức tạp và gia tăng theo thời gian nếu như các quốc gia chưa triệt để cùng chung tay bảo vệ môi trường.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>