Nắng nóng chưa từng có ở nhiều nơi

25/07/2022 | 08:44 GMT+7

Ngày 22-7, Bộ Y tế Italia đã ban bố cảnh báo đỏ về nắng nóng tại 16 thành phố trong bối cảnh nước này đang trải qua đỉnh điểm của đợt nóng.

Cháy rừng lan đến các ngôi nhà ở làng Figueiras, ngoại ô Leiria, miền Trung Bồ Đào Nha, ngày 12-7-2022.  Ảnh: AP

Thành phố Milan, miền Bắc Italia dự báo sẽ hứng chịu mức nhiệt cao nhất cả nước, lên tới 40oC, trong khi nền nhiệt ở thành phố Bologna ở miền Nam và thủ đô Rome có thể đạt 39oC.

Các thành phố lớn khác nằm trong diện cảnh báo đỏ về nắng nóng cao điểm cho đến hết ngày 23-7 bao gồm Florence, Genoa, Turin và Verona.

Trang dự báo thời tiết iLMeteo của Italia cho biết, trong 3 tháng liên tiếp gồm tháng 5, tháng 6 và tháng 7, Italia chứng kiến nhiệt độ tăng cao hơn ít nhất 2-3oC so với mức trung bình trong giai đoạn này và xu hướng này sẽ tiếp diễn cho đến đầu tháng 8.

Trang iLMeteo cũng dự báo, Italia sắp hứng vùng áp cao châu Phi với cường độ mạnh nhất, được mệnh danh là “Ngày tận thế 4.800”. Biệt danh này đề cập đến hiện tượng khiến nhiệt độ trong khu vực chỉ xuống mức 0oC ở độ cao trên 4.800m, xấp xỉ độ cao của núi Mont Blanc trên dãy Alps ở biên giới Italia - Pháp.

Do nắng nóng khắc nghiệt, hàng trăm vụ cháy rừng đã xảy ra trên khắp Italia trong những tuần gần đây. Giới chức Italia chưa thống kê được các trận hỏa hoạn thiêu rụi bao nhiêu héc-ta. Lực lượng cứu hỏa Italia cho biết, họ đã tham gia dập 32.921 vụ cháy rừng từ ngày 15-6 đến 21-7, cao hơn 4.040 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết: “Những đợt nắng nóng kiểu này đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới. Xu hướng tiêu cực của khí hậu sẽ tiếp tục, ít nhất là cho đến những năm 2060, bất kể các nỗ lực giảm biến đổi khí hậu của chúng ta có thành công đến đâu”.

Những đợt nắng nóng này được cho là một phần trong tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, các hoạt động của con người được cho là đang đẩy nhiệt lượng, vốn đã cao trong nhiều năm nay, lên mức kỷ lục.

Điều đáng lo ngại là khoảng thời gian giữa hai lần ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới ngày càng ngắn hơn.

Nhiệt độ cao kỷ lục tại Hy Lạp được ghi nhận vào năm 1977 đã bị phá vỡ vào năm 2021. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào năm nay 2022, nhiệt độ lại đạt tới mức kỷ lục này.

Nước Anh vào ngày 19-7 đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất mọi thời đại là 40oC, thậm chí có thời điểm hơn 40oC.

Vùng Brittany ở Pháp cũng ghi nhận mức nhiệt tương tự trong những ngày qua.

Các cảnh báo về thời tiết liên tục được đưa ra sau đợt nóng thiêu đốt vào cuối tháng 6. Tại nhiều nơi ở châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức, nhiệt độ cao trái với quy luật, lên tới 40, 43oC.

Không chỉ ở châu Âu, Trung Quốc cũng sẽ hứng chịu nhiều đợt nắng nóng trong 10 ngày tới, với nền nhiệt cực cao dự kiến sẽ bao trùm khu vực từ Đông sang Tây.

Nhiệt độ dự kiến sẽ tăng đột biến sau ngày 23-7, trước khi tích tụ thành các đợt nắng nóng, được định nghĩa là khoảng thời gian thời tiết nóng bất thường kéo dài từ ba ngày trở lên. Ngày 23-7 được gọi là ngày “nắng nóng nghiêm trọng” trong Niên lịch Trung Quốc dựa trên âm lịch truyền thống.

Fu Jiaolan, Trưởng dự báo của Trung tâm khí tượng Trung Quốc, cho biết, đợt nắng nóng này có phạm vi tương tự như các đợt nắng nóng từ ngày 5 đến 17-7, nhưng có nhiều khu vực hơn có thể bị ảnh hưởng bởi mức nhiệt từ 40oC (104 độ F) trở lên.

Theo truyền thông Trung Quốc, thời kỳ nóng nhất trong 300 năm qua là vào tháng 7-1743 dưới triều đại nhà Thanh, trong đó một nhà truyền giáo người Pháp ở Bắc Kinh được cho là đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 44,4oC.

Trong khi đó, vào năm 2015, một cổng thông tin ở Tân Cương cho biết, nền nhiệt cao kỷ lục 50,3oC đã được ghi nhận tại một trạm thời tiết gần Ayding, một trong những nơi nóng nhất ở Trung Quốc trong mùa hè.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>