Mỹ - Iran lại tăng nhiệt Căng thẳng

07/07/2022 | 07:51 GMT+7

Đàm phán Mỹ - Iran không đạt được bất cứ kết quả nào đã khiến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 khó phục hồi.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (trái) gặp Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại Ủy ban châu Âu Josep Borrell (phải) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Iran ở Tehran ngày 25-6.  Ảnh: CNN

Theo kênh truyền hình CNN, các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian được tổ chức tại Doha (Qatar) là hy vọng mới nhất để cả hai bên đi đến một thỏa thuận trong bối cảnh căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran gia tăng.

Trước đó, ngày 29-6, cuộc đàm phán gián tiếp mới nhất giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015 còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã kết thúc tại Doha (Qatar) mà “không đạt được tiến bộ nào” sau 2 ngày đàm phán. Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc từ tháng 3-2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt.

Theo đó, Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố và những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran.

Đặc phái viên Mỹ về đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran Robert Malley ngày 5-7 cho biết, Tehran đã bổ sung các yêu cầu trong cuộc đàm phán mới nhất về hạt nhân không có liên quan tới thỏa thuận hạt nhân, những yêu cầu mà Tehran muốn trong quá khứ. Điều này đã khiến cả Mỹ và châu Âu không thể đưa ra đàm phán.

Trong khi một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các cuộc đàm phán “thậm chí thụt lùi” thì Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 2-7 lạc quan nói con đường dẫn tới ngoại giao rộng mở và miêu tả các cuộc đàm phán là tích cực.

Trong khoảng thời gian các cuộc đàm phán bị ngưng trệ, Iran tiến gần hơn đến việc làm giàu lượng urani cần thiết để chế tạo bom hạt nhân và cắt giảm hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Điều này dấy lên lo ngại về khả năng các nước đối đầu sử dụng các lựa chọn quân sự để ngăn chặn năng lực hạt nhân của Iran.

Theo chuyên gia Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Crisis Group (một tổ chức tư vấn ở Washington, D.C.), với rất nhiều bất đồng giữa Iran, Mỹ và các đồng minh trong khu vực, có khả năng xảy ra căng thẳng leo thang có chủ ý hoặc ngoài ý muốn vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Ali Vaez nhận định: “Tất cả những điều này có khả năng biến mùa Hè năm 2022 thành mùa Hè năm 2019, thời điểm căng thẳng bùng lên khi Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế cũng như cơ sở hạ tầng của Iran, nhiều lần đẩy hai nước đứng bên bờ vực nổ ra xung đột chỉ trong vài tháng”, chuyên gia nhận định.

Ông Ali Vaez dự đoán với thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hiện tại, Iran có khả năng sẽ quyết định trì hoãn thỏa thuận cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Mỹ vào năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025, Iran cũng có cuộc tổng tuyển cử và sẽ phải chờ đợi kết quả bầu cử. Đến thời điểm đó, thỏa thuận này coi như chấm dứt hoàn toàn và các bên sẽ phải đàm phán một thỏa thuận mới từ đầu dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều năm.

JCPOA được ký hồi tháng 7-2015, với thỏa thuận Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Iran, khiến Tehran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận. Các cuộc đàm phán hạt nhân Iran được nối lại vào tháng 4-2021 tại thủ đô Vienna của Áo, nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 3-2022 do những bất đồng chính trị giữa Tehran và Washington.  

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>