LHQ cảnh báo “mất an ninh lương thực ở mức độ chưa từng có”

18/09/2022 | 13:32 GMT+7

Người đứng đầu cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc mới đây cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có”.

Xung đột bạo lực và những tác động của biến đổi khí hậu đều góp phần làm gia tăng nạn đói. Ảnh: Deutsche Welle

Ông David Beasley, Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Con số này gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Theo ông Beasley, điều đáng lo ngại là 50 triệu người đang bị suy dinh dưỡng cấp tính và đang ở ngưỡng cửa cửa nạn đói. Nguyên nhân chính là những tác động kinh tế từ đại dịch, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu tăng và xung đột Ukraine.

Phân tích “Đói trong một thế giới đang nóng lên” cho thấy, nạn đói cấp tính đã tăng 123% trong vòng 6 năm ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các quốc gia gồm Somalia, Haiti, Djibouti, Kenya, Niger, Afghanistan, Guatemala, Madagascar, Burkina Faso và Zimbabwe đã liên tục bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt trong hai thập kỷ qua.

Ước tính có khoảng 48 triệu người trên khắp các quốc gia này bị đói cấp tính, được định nghĩa là đói do một cú sốc gây rủi ro cho cuộc sống và sinh kế dựa trên các báo cáo do Chương trình Lương thực Thế giới tổng hợp. Con số này tăng từ 21 triệu người vào năm 2016, 18 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói.

Somalia đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận, buộc một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Biến đổi khí hậu đã gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội hơn và những thảm họa thời tiết khắc nghiệt khác bao gồm lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích của Pakistan, cuốn trôi cây trồng và lớp đất mặt và phá hủy cơ sở hạ tầng canh tác.

Tại Guatemala, điều kiện thời tiết tồi tệ đã góp phần làm giảm gần 80% sản lượng ngô, cũng như gây ra “cuộc khủng hoảng cà phê” trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến các cộng đồng dễ bị tổn thương và buộc nhiều người phải di cư đến Mỹ.

Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực Cận Đông và Bắc Phi cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về an ninh lương thực ở khu vực Ả Rập. Theo ước tính năm 2021, số người thiếu dinh dưỡng trong khu vực Ả Rập lên tới hơn 54 triệu người, tương đương 12,2% dân số khu vực. Tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Oxfam nhấn mạnh rằng nạn đói do khí hậu gây ra là một “minh chứng rõ ràng cho sự bất bình đẳng toàn cầu”, với các quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu lại phải hứng chịu tác động của nó nhiều nhất. Các quốc gia công nghiệp phát triển gây ô nhiễm như G20 chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải carbon của thế giới, trong khi 10 điểm nóng về khí hậu nói trên chỉ góp phần 0,13%.

Báo cáo thừa nhận sự phức tạp xung quanh nguyên nhân của nạn đói toàn cầu, trong đó xung đột và gián đoạn kinh tế, bao gồm cả ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, vẫn là những lý do chính.

Kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine, chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt đã khiến 70 triệu người tiến gần tới nạn đói. Bất chấp thỏa thuận hồi tháng 7 cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine từ 3 cảng ở Biển Đen và nỗ lực đưa phân bón của Nga trở lại thị trường toàn cầu, khủng hoảng lương thực vẫn có thể kéo sang năm 2023 nếu thế giới không hành động.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>