Làn sóng dịch Covid-19 mới đang lan rộng

28/07/2022 | 08:31 GMT+7

Việc xuất hiện các biến thể mới của Omicron có khả năng lây truyền nhanh đã làm làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại khiến nhiều quốc gia lo lắng.

Hơn 576,59 triệu người trên thế giới đã mắc vi-rút SARS-CoV-2. Ảnh: AP

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đến sáng 27-7, thế giới đã có trên 110 quốc gia tái bùng phát dịch Covid-19, với trên 576,59 triệu người mắc, trong đó hơn 6,4 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 lần này, với tổng cộng trên 92,33 triệu ca mắc, trong đó có khoảng trên 1,052 triệu trường hợp tử vong. Trong đó, đáng báo động là trẻ em và thanh thiếu niên bị mắc Covid-19 tăng đột biến. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, trong một tháng qua, Mỹ ghi nhận hơn 311.000 trẻ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Còn tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, Mỹ có thêm 6,1 triệu ca nhiễm mới.

Đứng thứ hai của đợt dịch Covid-19 lần này vẫn là Ấn Độ. Hiện nước này đã ghi nhận trên 43,92 triệu người mắc, trong đó có hơn 526.000 trường hợp thiệt mạng vì đại dịch này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới tính đến thời điểm này. Chỉ trong ngày 26-7, nâng tổng số ca mắc mới ở quốc gia này lên hơn 87.562 trường hợp, với hơn 151.600 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,63 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Không chỉ những quốc gia trên bị dịch Covid-19 càn quét mà làn sóng dịch đã lây lan khắp các châu lục trên thế giới. Thậm chí có nơi số ca mắc còn vượt xa so với cao điểm của các đợt dịch trước, chẳng hạn như tại Nhật Bản, ghi nhận 126.575 ca mắc mới trong bối cảnh nước này đang trải qua làn sóng thứ 7 của dịch Covid-19 liên quan đến sự lây lan mạnh của biến thể phụ BA.5 của Omicron. Còn tại Australia, từ đầu tháng 7 đến nay đã có thêm hơn 1.000 người tử vong vì Covid-19. Đặc biệt, trong 2 tuần trở lại đây, số lượng người tử vong tăng đáng báo động, đa phần là ở những người chưa tiêm vắc-xin Covid-19.

Còn tại châu Âu, Ủy ban châu Âu cho rằng, đại dịch vẫn có thể bùng phát trở lại vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay, khi thời tiết trở lạnh. Cao ủy châu Âu về Y tế đã yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng tăng cường, tiêm liều vắc-xin thứ tư kể từ đầu đại dịch. Do chưa có vắc-xin ngừa các biến chủng BA.4 và BA.5 nên các quốc gia vẫn sử dụng vắc-xin sẵn có để tiêm mũi thứ tư.

Tuy nhiên, do vi-rút vẫn đang liên tục biến đổi theo cách không thể dự đoán trước được, gây khó khăn cho việc phát triển liên tục các dòng vắc-xin phù hợp.

Ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu, cho biết: “Đôi khi người ta hỏi vi-rút SARS-CoV-2 có trở lại không? Thực tế là nó chưa bao giờ biến mất, nó vẫn ở đó và nó đang lan rộng. Vi-rút đang biến đổi và thật không may, nó vẫn đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Riêng tuần trước, ở khu vực châu Âu, 3.000 người đã qua đời một cách đáng buồn và khoảng 3 triệu ca mắc mới Covid-19 đã được báo cáo”.

Nguyên nhân chính dẫn dến tình trạng dịch Covid-19 tái bùng phát là do hầu hết các quốc gia đã mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội từ đó dẫn đến tự do đi lại, tổ chức các lễ hội và du lịch được phục hồi. Trong đó đáng quan ngại là du lịch nhiều nơi, đặc biệt là châu Âu đang hồi phục mạnh mẽ, lượng người di chuyển từ nước này sang nước khác gia tăng trong mùa Hè, cộng thêm với việc bãi bỏ các biện pháp phòng dịch khiến giới chức y tế lo ngại, đại dịch sẽ bùng phát trở lại vào mùa Thu.

Để đối phó với làn sóng dịch mới, bên cạnh việc tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, hầu hết các quốc gia đều khuyến cáo người dân nhanh chóng tiêm mũi vắc-xin tăng cường để giảm các biến chứng nặng, giảm khả năng tử vong và mắc các hội chứng hậu Covid-19 và khuyến khích sử dụng thuốc kháng vi-rút trong điều trị Covid-19.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>