Lại “nóng” chuyện người di cư

06/07/2023 | 09:22 GMT+7

Mặc dù biết phải đối mặt với nhiều rủi ro có khi đánh đổi cả sinh mạng, nhưng làn sóng người di cư vẫn tìm đường sang châu Âu với nhiều lý do.

Dòng người nhập cư đổ vào Hy Lạp. Ảnh minh họa: POLITICO

Mới đây, Cơ quan điều tra Pakistan thông báo, ít nhất 209 người dân nước này đã bị chìm trên một chiếc thuyền quá tải ở ngoài khơi Hy Lạp. Những người này đã lên thuyền đi từ Libya tới Hy Lạp và vẫn đang mất tích. Số người chết chính thức do vụ tai nạn vẫn là 82 và số người sống sót là 104, trong đó có 12 người Pakistan.

Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan, ông Abdul Jabbar cho biết, một cuộc điều tra để xác minh các nạn nhân trên thuyền vẫn đang được tiến hành. Cơ quan Điều tra liên bang đã được Chính phủ Pakistan giao nhiệm vụ thụ lý các cuộc điều tra liên quan đến thảm kịch này. Đây được xem là thảm họa biển tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đối với khu vực này.

Pakistan hiện vẫn chưa chính thức xác nhận có bao nhiêu công dân trên thuyền, nhưng đã bắt đầu lấy mẫu DNA để giúp Hy Lạp xác định danh tính những nạn nhân thiệt mạng. Các quan chức đã thu thập các mẫu DNA từ 201 gia đình.

Tuy nhiên, lời kể của các nhân chứng cho biết, khoảng 400 đến 750 người đã chen chúc lên chiếc thuyền đánh cá dài 20-30m, chiếc thuyền này sau đó đã bị lật úp và chìm vào sáng sớm ngày 14-6 tại bờ biển phía Nam cách thị trấn Pylos, Hy Lạp khoảng 80km.

Theo thống kê của Cơ quan Điều tra Liên bang, 29 nghi phạm buôn lậu người đã bị bắt ở Pakistan có liên quan đến vụ án này. Tại Hy Lạp, 9 đối tượng mang quốc tịch Ai Cập đã bị buộc tội trong vụ tai nạn. Hiện các đối tượng đang bị tạm giam chờ xét xử. Các bị cáo phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Trên đây là một trong số hàng trăm vụ người di cư gặp nạn trong thời gian gần đây khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và lên tiếng phản đối. Xung đột, dịch bệnh, thất nghiệp, mất an ninh lương thực được xem là những yếu tố chính khiến dòng người di cư liên tục đổ về châu Âu.

Năm 2022, Liên Hiệp Quốc ghi nhận con số kỷ lục 108,4 triệu người trên toàn thế giới bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do nhiều nguyên nhân như xung đột, bạo lực, biến đổi khí hậu... Trong số này, người xin tị nạn từ Syria, Afghanistan, Pakistan và Ai Cập vào châu Âu tăng mạnh. Tuyến đường Balkan qua Hy Lạp, Bắc Macedonia, Serbia, Bosnia, Croatia và Hungary hiện có số lượng người di cư và xin tị nạn cao nhất.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn bày tỏ quan ngại dòng người tị nạn đến châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023, nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt. Còn Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra cảnh báo, tình trạng di cư bất hợp pháp vào châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015-2016 của lục địa này.

Ông Samir Zaqout, Phó Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Al Mezan, cho biết: “Khoảng 250.000 người Palestine, chiếm khoảng 10% dân số Gaza, đã tìm cách rời khỏi Dải Gaza và đến Tây Âu. Đây là một tỷ lệ đáng kể”. Tuy nhiên, phần lớn số người tị nạn vẫn chưa được các quốc gia châu Âu tiếp nhận. Hiện hơn 2,4 triệu người tị nạn trên toàn cầu cần tái định cư trong năm 2024 nhưng tính đến đầu tháng 12-2022 chỉ có khoảng 4,8 triệu người được Cơ quan tị nạn LHQ xét tị nạn, chủ yếu tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Đức, Romania, Slovakia và các nước Baltic.

Giới chức châu Âu đang hy vọng về một thỏa thuận tái phân bổ những người di cư đang xin tị nạn ở EU. Tuy nhiên, một số quốc gia như Italia, Hy Lạp hay Tây Ban Nha cho rằng họ phải chịu gánh nặng bất công khi là điểm đến chính của người di cư. Trong khi đó, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Hungary và Ba Lan phản đối kế hoạch tái phân bổ nêu trên.

Chính những động thái trái chiều này đã làm cho bài toán người di cư khó tìm được lời giải thỏa đáng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>