Khó đàm phán hòa bình với Triều Tiên

14/09/2022 | 18:35 GMT+7

Tuyên bố mới đây của Triều Tiên đã làm cho đàm phán hòa bình giữa Mỹ với nước này đi vào bế tắc.

Triều Tiên tuyên bố sẽ luật hóa chính sách hạt nhân nhằm đối phó với mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc.

Mới đây, Triều Tiên đã tuyên bố các vũ khí hạt nhân của nước này không còn là thứ có thể đem ra đàm phán. Do vậy, nếu cứ đưa việc đàm phán ra để “nói chuyện” với Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ chỉ nhận lại cái “lắc đầu”.

Tại Phiên họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) XIV ngày 8-9, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định: “Việc ban hành luật về chính sách đối với lực lượng hạt nhân, khẳng định vị thế quốc gia hạt nhân là không thể đảo ngược”. Ông Kim Jong-un cho biết thêm, kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ là “vũ khí răn đe và sau cùng”, được phát triển để “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cũng như bảo vệ an toàn và sự tự tôn của đất nước”.

Bình Nhưỡng khẳng định, các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ càng củng cố hơn quyết tâm của chính phủ Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Do vậy, cả thế giới cũng như bầu không khí chính trị và quân sự tại Bán đảo Triều Tiên trước hết cần phải thay đổi nếu các bên khác muốn Bình Nhưỡng điều chỉnh chính sách hạt nhân.

Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm các chương trình hạt nhân và tên lửa chừng nào Mỹ và Hàn Quốc còn duy trì chính sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong một động thái liên quan, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi, cho biết có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang vận hành cơ sở làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, trong khi vẫn tiến hành công việc xây dựng tại đây. Nhận xét của ông Rafael Grossi được đưa ra trong bối cảnh có đồn đoán rằng Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017. Ông Grossi chia sẻ: “Rất đáng tiếc, việc Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Đáp trả tuyên bố trên của Triều Tiên, Phó phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Đại tá Moon Hong Sik, cảnh báo việc ban hành luật về chính sách hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho chính quốc gia này. Ông Moon Hong Sik nêu rõ: “Nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, họ sẽ vấp phải phản ứng kiên quyết từ liên minh Hàn - Mỹ, và Bình Nhưỡng sẽ bước vào giai đoạn tự hủy diệt”.

Ngoài ra, ông Moon Hong Sik cũng nhấn mạnh giải pháp “cứng rắn” của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Triều Tiên. Đồng thời, Seoul sẽ phối hợp với Washington để tập trung củng cố mức độ tin cậy trong biện pháp răn đe mở rộng, từ đó khiến Bình Nhưỡng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Răn đe mở rộng đề cập cam kết của Mỹ về việc huy động toàn bộ khả năng quân sự, bao gồm cả lựa chọn hạt nhân, để bảo vệ đồng minh.

Về phần mình, Mỹ khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ đối thoại liên Triều và vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Lập trường của Mỹ là duy trì hiện trạng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Washington đã không thể tham gia vào các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng kể từ năm 2019, dù chính quyền đã thay đổi vào năm 2021. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden từng đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thống dưới thời chính quyền ông Barack Obama, chính sách của ông về Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là phiên bản cập nhật của phương pháp tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” đã được sử dụng trước đó.

Tuy nhiên, thật khó để tìm ra sự khác biệt giữa cách tiếp cận của ông Biden và ông Obama, nhất là khi đặt vào bối cảnh các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm nay và các cuộc đàm phán hạt nhân đang đình trệ.

Chính những yếu tố trên, đàm phán hòa bình Mỹ - Triều đã khó nay càng càng khó hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>