Giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka

13/07/2022 | 09:11 GMT+7

Khủng hoảng lương thực dẫn đến khủng hoảng chính trị đã làm cho Sri Lanka rơi vào bế tắc khi các cuộc biểu tình liên tục nổ ra khắp đất nước này.

Người biểu tình xông vào bên trong dinh Tổng thống Sri Lanka. Ảnh: REUTERS

Đỉnh điểm của khủng hoảng chính trị là việc hàng nghìn người biểu tình Sri Lanka đã xông vào chiếm giữ dinh thự của cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 9-7. Hệ lụy của cuộc biểu tình này đã khiến các ông Rajapaksa và Wickremesinghe tuyên bố từ chức. Dự kiến việc từ chức này sẽ diễn ra vào ngày 13-7. Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ tiếp tục chiếm nhà của Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka cho đến khi họ từ chức.

Tình hình kinh tế tồi tệ tại Sri Lanka đã gây ra bất bình trong dân chúng suốt vài tháng qua. Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, nông nghiệp, sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân tại đảo quốc Nam Á này.

Đối với người dân Sri Lanka, cuộc sống hiện giờ đầy bế tắc khi họ phải dành hàng giờ xếp hàng dài ở các cửa hàng để mua nhiên liệu, lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều người cảm thấy không có lối thoát và lo sợ cho tương lai của chính họ. Nhiều người dân đã phải thốt lên: “Tôi giống như đang rơi vào ranh giới giữa sự sống và cái chết. Không việc làm, không có tiền để mua thức ăn và cũng không thể tìm cách rời khỏi đất nước này”.

Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nhiên liệu đã buộc các trường học và Văn phòng Chính phủ phải đóng cửa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng liên hoàn trên trước tiên phải kể đến đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm giảm thu nhập ngoại tệ của nước này. Tình trạng lạm phát trên thế giới gia tăng đã khiến hệ thống tài chính của Sri Lanka gần như sụp đổ.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính dường như đã nẩy mầm từ rất lâu, bắt nguồn từ các khoản vay hàng loạt để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, quyết định cắt giảm thuế khiến ngân sách chính phủ bị thâm hụt nghiêm trọng và lệnh cấm sử dụng phân bón làm giảm sản lượng hoa màu khiến lương thực không đủ cung cấp trong nước.

Mặt khác, Sri Lanka đã phải sử dụng một lượng lớn ngoại hối dự trữ để trả nợ công, dẫn tới sụt giảm dự trữ ngoại tệ. Việc khan hiếm ngoại tệ khiến nước này không thể nhập khẩu đủ nhiên liệu phục vụ cho các nhu cầu trong nước. Lạm phát tại Sri Lanka đã tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên đến 70% trong những tháng tới, khiến khó khăn với người dân nước này ngày càng thêm chất chồng.

Để đối phó với những thách thức về kinh tế, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang tung ra các khoản trợ cấp mới và thúc các gói chi tiêu xã hội để ngăn chặn tình trạng bất ổn và nạn đói. Nhưng giới phân tích cảnh báo rằng việc gia tăng trợ cấp và chi tiêu xã hội khi giá cả leo thang có thể đẩy các quốc gia vào cuộc khủng hoảng tiền tệ sâu sắc.

Tuy nhiên, vấn đề căn cơ hơn vẫn là ổn định chính trị để điều hành quốc gia này vượt qua cơn khủng hoảng. Bộ trưởng Bộ Phát triển nhà và đô thị Sri Lanka Prasanna Ranatunga mới đây thông báo, tại cuộc họp Quốc hội Sri Lanka, các thành viên nhất trí việc Quốc hội sẽ được triệu tập vào ngày 15-7. Sau đó, các đề cử cho chức vụ Tổng thống sẽ được chấp thuận vào ngày 19-7 và Tổng thống mới sẽ được bầu vào ngày 20-7.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng ở Sri Lanka, nhằm “đảm bảo tiến trình chuyển giao chính quyền suôn sẻ và tìm ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Sri Lanka”.

Đây cũng chính là giải pháp cần và đủ để Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>