Gần nửa lãnh thổ Liên minh châu Âu thiếu nước do hạn hán

09/08/2022 | 07:49 GMT+7

Hàng loạt quốc gia châu Âu đang phải đối phó với nắng nóng kỷ lục, dẫn đến nhiều hệ lụy như thiếu nước, cháy rừng, giảm sản lượng điện, sản lượng cây nông nghiệp...

Sông Po (Italia) cạn trơ đáy do ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, có đến 46% lãnh thổ khu vực đang ở mức cảnh báo - đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức báo động. Các đợt nóng liên tiếp và không có mưa, nước Pháp trải qua tháng 7 khô nóng nhất trong vòng 60 năm qua, khiến nhà chức trách nước này phải phát đi cảnh báo hạn hán trên cả nước.

Trên 96 tỉnh, thành của Pháp đã phải áp dụng hạn chế sử dụng nước. Chính phủ Pháp ban hành quy định với 4 cấp độ khác nhau cho việc tiết kiệm này. Cấp độ 1 là dành cho những vùng còn trong an toàn, chỉ khuyến khích người dân hạn chế sử dụng nước. Cấp độ 2 là hạn chế tưới tiêu tới 50%, hạn chế hàng hải và cấm hoạt động rửa xe. Cấp độ 3 hạn chế toàn bộ việc tưới vườn, giảm hơn 50% tưới tiêu nông nghiệp. Cấp độ đỏ báo động là ngừng toàn bộ việc tưới tiêu dành cho nông nghiệp, chỉ dành nước cho an ninh, sức khỏe và nước uống dân sự.

Nông nghiệp và thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Italia, Hy Lạp và bán đảo Iberia.

Khu vực thung lũng trồng lúa nổi tiếng ở phía Bắc Italia, các cánh đồng thiếu nước đang khô nứt nẻ. Năm nay sản lượng dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng do hạn hán. Đáng ngại hơn, cả khu vực canh tác rộng lớn này có nguy cơ mất khả năng trồng lúa do biến đổi khí hậu.

Đến cả một vùng đất nổi tiếng vì mưa nhiều như Vương quốc Anh cũng đã vừa ghi nhận 8 tháng khô hạn nhất trong vòng gần 50 năm. Nông dân và người dân nói chung ở Anh được cảnh báo hãy sử dụng nước tiết kiệm hơn.

Từ tháng 9-2021 đến tháng 4-2022, lượng mưa thấp hơn 19 đến 22% so với mức trung bình ở các khu vực. Hạn hán trở nên trầm trọng thêm do các đợt nắng nóng mạnh đặc biệt đến sớm vào mùa Hè năm nay. Theo các chuyên gia, tình hình chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí đang ngày càng tồi tệ hơn.

Các con sông có mực nước thấp hơn mọi năm không chỉ làm cho các đập thủy điện thiếu nước, mà còn ảnh hưởng cả tới các nhà máy điện nguyên tử và nhiệt điện dùng than đá.

Các nước châu Âu đã thảo luận về các biện pháp thích ứng với hạn hán và nắng nóng từ vài năm trở lại đây. Có hai biện pháp chính đang được áp dụng. Thứ nhất là trồng thêm cây bóng mát, cả trong thành phố lẫn giữa các thửa ruộng, giúp làm mát không khí, hấp thụ ánh nắng, giữ nền đất ổn định. Thứ hai là ngừng bê tông hóa mặt đất, xây cất thế nào thì mặt đất cũng phải để cho nước mưa thấm qua được. Nhiều thành phố châu Âu thậm chí đã phá các mặt phẳng lát bằng bê tông tấm lớn, thay bằng gạch có lỗ thấm. Một số biện pháp khác cũng đang được thử nghiệm theo hướng thuận theo biến đổi của thiên nhiên.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, châu Âu đã và đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng liên tục, nhiệt độ nhiều nơi đã tăng lên mức kỷ lục 44-45oC. Ủy ban này cảnh báo, các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn, đến sớm hơn và kéo dài hơn. Do đó, tác động tới sức khỏe con người hay tới kinh tế sẽ càng lớn hơn. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, đến năm 2030 nắng nóng có thể làm giảm 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới, cái giá phải trả cho hiện tượng này sẽ là khả năng “bốc hơi” 2.400 tỉ USD trên toàn cầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>