Đói nghèo ở Afghanistan đang vượt tầm kiểm soát

16/09/2021 | 08:54 GMT+7

Bất ổn chính trị sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan đã đẩy quốc gia này rơi vào nghèo đói vượt tầm kiểm soát cần cứu trợ nhân đạo.

Afghanistan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh, nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: REUTERS

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến đói nghèo vượt tầm kiểm soát ở Afghanistan chính là hệ lụy của cuộc chiến hơn 20 năm qua tại đất nước này. Sau khi Taliban lên nắm quyền, hàng chục nghìn người Afghanistan thân Mỹ và phương Tây bỏ nhà cửa chạy theo lực lượng rút quân hoặc trốn sang các quốc gia lân cận để sống tạm bợ qua ngày. Một số người ở lại thì lo sợ trả thù bằng các hình phạt khắc nghiệt của Taliban nên sống trong tâm trạng bất an. Mặt khác, tình hình chính trị rối ren đã tác động đến sản xuất, phát triển kinh tế nên đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng: “Sau hàng chục năm chiến tranh và bất ổn, người dân Afghanistan đang phải đối mặt với những giờ phút nguy ngập nhất là sự sụp đổ của cả một đất nước trong cùng một lúc”.

Theo báo cáo từ Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), hiện nguồn lương thực dự trữ ở Afghanistan có thể cạn kiệt vào cuối tháng này và 14 triệu người dân quốc gia đang đứng trước nguy cơ rơi vào nạn đói.

Ông Guterres cũng kêu gọi quốc tế hỗ trợ Afghanistan, trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng sau khi Taliban lên nắm quyền. Theo ông Guterres, Afghanistan cần cộng đồng quốc tế viện trợ hơn 600 triệu USD trong năm nay, để đưa quốc gia này thoát khỏi tình trạng đói nghèo và khan hiếm lương thực đang ngày một trở nên tồi tệ.

Hiện cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ hơn 1,1 tỉ USD cho Afghanistan. Trước đó, Pakistan và Trung Quốc là những nước đầu tiên viện trợ cho Afghanistan. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết viện trợ các lô thực phẩm và vật tư y tế trị giá 31 triệu USD cho Afghanistan vào tuần trước, và sẽ viện trợ tiếp 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong tuần này. Pakistan đã viện trợ lương thực và thuốc men cho nước láng giềng, đồng thời kêu gọi quốc tế sớm giải ngân các tài sản do người Afghanistan sở hữu đang bị đóng băng ở nước ngoài. Trong khi đó, phía Iran cũng cho biết đã gửi một lô hàng viện trợ tới Kabul qua đường hàng không.

Về phần mình, Mỹ cam kết sẽ viện trợ nhân đạo khoảng 64 triệu USD cho Afghanistan sau hội nghị ở Geneva, trong khi Na Uy sẽ viện trợ khoảng 11,5 triệu USD. Bên cạnh đó, khoảng 200 triệu USD sẽ được gửi tới WFP nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở Afghanistan.

Mặc dù đã có cam kết viện trợ nhân đạo của nhiều quốc gia tuy nhiên để nguồn viện trợ này đến được với người dân Afghanistan là một khoảng thời gian dài, chưa nói đến các cửa ngõ vào quốc gia này vẫn chưa được mở, ngoại trừ “cầu hàng không” từ Islamabad, Pakistan đến các khu vực của Afghanistan do LHQ mở. Đây sẽ là rào cản để hàng cứu trợ nhân đạo đến với người dân quốc gia này.

Giới chức Taliban cho biết, họ sẽ tái lập Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại, vốn bị bãi bỏ từ đầu thập niên 2000. Mục đích chính của việc làm này là phục vụ đạo Hồi, với những quy định khắt khe như: Đàn ông buộc phải để râu, không uống rượu bia; phụ nữ chỉ được ra đường khi có người thân là nam giới đi kèm, phải che kín mặt, không được trang điểm, trẻ em gái không được đến trường (giờ đổi lại học sinh nữ phải học trường riêng), phụ nữ không được đi giày cao gót, không được phép quay phim hay trưng bày những hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà. Kẻ trộm sẽ bị chặt tay. Nếu quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, thì những kẻ vi phạm sẽ bị ném đá... Mặc dù dự kiến sẽ có nhiều thay đổi nhưng Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại mới vẫn làm cho nhiều người hoang mang lo sợ.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>