Đàm phán hạt nhân với Iran đạt được kết quả khả quan

19/08/2022 | 08:08 GMT+7

Iran vừa thông báo, thỏa thuận hạt nhân có thể được khôi phục nếu Mỹ có phản ứng thực tế và linh hoạt hơn. Điều này sẽ mở ra tín hiệu khả quan cho khôi phục JCPOA.

Toàn cảnh vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tại Vienna (Áo) ngày 27-12-2021. Ảnh: AFP

AFP/Reuters cũng khẳng định, ngày 16-8 Iran đã trao văn bản phản hồi về thỏa thuận dự thảo “cuối cùng” liên quan tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc, do các nhà trung gian hòa giải Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trong quá trình đàm phán ở Vienna (Áo).

Trước đó, Iran cho biết nước này có thể chấp nhận văn bản dự thảo “cuối cùng” do EU soạn thảo để khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này.

Như vậy, sau 16 tháng đàm phán gián tiếp và có nhiều gián đoạn giữa Mỹ và Iran, một quan chức EU cho hay thông qua nỗ lực ngoại giao con thoi với các bên, EU đưa ra đề xuất “cuối cùng” và nhận được phản hồi của Tehran.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir - Abdollahian cho rằng dù Tehran và Washington có chấp nhận văn bản cuối cùng mà EU đề xuất hay không thì cũng không có nghĩa là đàm phán thất bại mà vẫn duy trì đàm phán để phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Trong một động thái liên quan, mới đây Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố nước này sẵn sàng trao đổi tù nhân với Mỹ. Ngược lại, Mỹ phải trả tự do cho những công dân Iran bị bỏ tù mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Điều này mở ra tín hiệu khả quan cho kết quả đàm phán hạt nhân giữa hai nước.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington sẽ đưa ra quan điểm cụ thể về dự thảo cuối cùng của EU để cứu vớt JCPOA. Ông Price cũng nhấn mạnh, chỉ có một cách duy nhất để hoàn thành thỏa thuận hạt nhân với Iran là Tehran từ bỏ các yêu cầu không liên quan trong nội dung đàm phán.

Về các lệnh trừng phạt, người phát ngôn trên cho biết, Mỹ sẽ chưa nới lỏng thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, bao gồm cả việc chỉ định các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) và trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC). Ông tuyên bố: Nếu Iran muốn các lệnh trừng phạt này được dỡ bỏ, họ sẽ cần phải thay đổi hành vi cơ bản của mình. Họ sẽ cần phải thay đổi các hành động nguy hiểm đe dọa hòa bình.

Thỏa thuận JCPOA được ký vào năm 2015. Theo đó, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện với Iran. Chính quyền Iran đã đáp trả bằng cách dần từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận.

Trong khi đó, các quốc gia còn lại của Nhóm P5+1 và EU đã nỗ lực đàm phán để phục hồi JCPOA. Sau nhiều lần đàm phán, đến tháng 12-2021, các bên tham gia thỏa thuận JCPOA đã nhất trí 2 dự thảo của thỏa thuận mới, nhưng không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Kể từ đó, các bên đã có nhiều vòng đàm phán về vấn đề khôi phục thỏa thuận. Việc EU làm trung gian đã tạo được sự đồng thuận cơ bản giữa Mỹ và Iran đã phát đi tín hiệu khả quan sẽ khôi phục JCPOA dù không trọn vẹn như trước đây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>