Các nền kinh tế phát triển phải chịu trách nhiệm về khí thải nhà kính

13/09/2022 | 07:52 GMT+7

Đây là khẳng định của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Tuyên bố trên được ông Guterres đưa ra trong một cuộc họp báo tại thành phố cảng Karachi, miền Nam Pakistan, trong chuyến thăm tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Ngập lụt nghiêm trọng ở quận Qambar Shahdadkot, tỉnh Sindh, Pakistan, ngày 6-9-2022. Ảnh: AP

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres ngày 10-9 đã có chuyến thực địa đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt tại 2 tỉnh Sindh và Balochistan của Pakistan.

Gần 1.400 người đã thiệt mạng trong đợt lũ lụt gây thiệt hại trên diện tích bằng Vương quốc Anh, khoảng 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt đã phá hủy khoảng 2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, cuốn trôi 7.000km đường và làm sập 500 cây cầu tại Pakistan.

Cơ quan khí tượng cho biết, năm nay, Pakistan đã hứng chịu lượng mưa lớn gấp 5 lần so với thông thường hàng năm. Padidan, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Sindh, đã bị ngập hơn 1,8m (71 inch) kể từ khi đợt gió mùa bắt đầu diễn ra vào tháng 6.

Theo Trung tâm cứu trợ lũ lụt của Chính phủ Pakistan, Tổng Thư ký Guterres cho biết, ông hy vọng chuyến thăm của mình sẽ thúc đẩy sự ủng hộ và cứu trợ quốc tế đối với Pakistan, quốc gia ghi nhận thiệt hại do thảm họa mưa lũ cho đến nay lên tới hơn 30 tỉ USD.

Theo ông Guterres, các quốc gia G20 thải ra 80% lượng khí thải hiện nay. Trong khi đó, Pakistan chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nhưng đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Danh sách này do tổ chức phi chính phủ Germanwatch tổng hợp.

Ông đã lên tiếng mạnh mẽ về việc “bồi thường khí hậu” mà nhiều tổ chức và cá nhân nhắc đến gần đây: Nghĩa vụ của các quốc gia phát triển và phát thải gây biến đổi khí hậu nhiều nhất đối với các quốc gia tuy phát thải ít nhưng phải gánh chịu thảm họa nặng nề do vị trí địa lý.

Hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu LHQ: “Các nước phát triển phải tăng cường và cung cấp cho Pakistan cũng như các nước khác ở “tuyến đầu” những nguồn lực tài chính, kỹ thuật mà họ cần để sống sót qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Tôi kêu gọi các chính phủ giải quyết vấn đề này tại COP 27 (Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của LHQ, tổ chức vào tháng 11) với mức độ nghiêm túc”.

Bình luận của ông Guterres được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo rằng các đảo và quốc gia ven biển châu Phi, nơi 116 triệu người đang sinh sống, sẽ chịu thiệt hại lên tới 50 tỉ USD vào năm 2050 vì nước biển dâng.

Trong khi đó, 50 năm hạn hán vừa qua ở vùng Sừng châu Phi, trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu, đã cướp đi sinh mạng hơn nửa triệu người, thiệt hại 70 tỉ USD. Hơn 1.000 trận lũ lụt trong cùng thời gian đã cướp đi sinh mạng hơn 20.000 người.

Cũng theo báo cáo của WMO, tổng thiệt hại lớn nhất sẽ rơi vào châu Á, nơi “cú phạt đền của khí hậu” sẽ tạo nên bầu không khí tích tụ đầy khí nhà kính độc hại, tàn phá sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, vùng Caribean, châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương cũng liên kết lại trong một khối gọi là “Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương do khí hậu” để tìm hướng giải quyết và tìm kiếm bồi thường.

Khối này đang do Ghana làm chủ tịch, tập hợp 48 quốc gia đang phát triển nhạy cảm với khí hậu nhất thế giới, tổng dân số 1,2 tỉ người nhưng tỷ lệ phát thải chỉ là 5% toàn cầu.

Hôm 9-9, các bộ trưởng châu Phi họp tại Cairo, Ai Cập để chuẩn bị cho COP 27 cũng đã kêu gọi mở rộng mạnh mẽ nguồn tài chính khí hậu cho lục địa của họ, đồng thời lùi thời hạn phải rời bỏ nhiên liệu hóa thạch. Lời kêu gọi được đưa trước thực tế đây là vùng phát thải carbon thấp và chỉ được hưởng lợi dưới 5,5% nguồn tài chính cho khí hậu toàn cầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>