Về hình phạt tử hình

01/06/2017 | 08:13 GMT+7

Hỏi: Tôi nghe nói hình phạt tử hình là hình phạt mang nội dung nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, vậy xin luật sư nói rõ hơn là như thế nào? Pháp luật hiện hành nước ta quy định những tội nào phải chịu hình phạt tử hình ?

(Nguyễn Văn Tuấn, thành phố Vị Thanh)

Đáp: Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất - tước đoạt mạng sống của người phạm tội, không một hình phạt nào trong hệ thống hình phạt có khả năng này. Hình phạt tử hình tước bỏ quyền được sống - quyền năng tự nhiên, thiêng liêng, cao quý nhất của con người. Áp dụng tử hình đối với người phạm tội là Nhà nước loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong đời sống xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án có thẩm quyền quyết định. Chỉ khi hành vi phạm tội gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội và chỉ Tòa án có thẩm quyền mới có quyền quyết định áp dụng hình phạt tử hình. Đây cũng chính là đòi hỏi của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, phản ánh tính nghiêm minh của pháp luật trong việc phòng ngừa tội phạm chung.

Nguyên tắc nhân đạo là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Hình sự. Mục đích của nguyên tắc nhân đạo trong Bộ luật Hình sự là nhằm bảo đảm cho con người những lợi ích tối thiểu, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và tính mạng. Nguyên tắc nhân đạo trong Bộ luật Hình sự là cách thể chế hóa quan điểm, chính sách vì con người của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan điểm bao dung coi giáo dục, thuyết phục nhân cách trong con người là chủ yếu.

Mục đích tối thượng và quan trọng của hình phạt tử hình là nhằm đạt đến sự công bằng trong xã hội dân chủ và ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra. Hình phạt tử hình là sự trừng trị kẻ phạm tội nhằm mục đích răn đe trước hết là người phạm tội, sau đó là các tội phạm khác.

Như vậy, về mặt bản chất việc tồn tại hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay không tạo ra mâu thuẫn với nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên, nó cũng phần nào làm giảm đi tính tích cực và toàn diện trong chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự nước ta quy định về các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Bộ luật Hình sự năm 1999 có 29 tội quy định có mức phạt cao nhất là tử hình, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009 còn 22 tội quy định mức phạt cao nhất là tử hình gồm: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội bạo loạn; tội hoạt động phỉ; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội giết người; tội hiếp dâm trẻ em; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh…

Luật sư Trần Văn Độ (Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>