Chút tình gửi lại mai sau...

23/01/2023 | 12:15 GMT+7

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng ban Liên lạc Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9, luôn xúc động khi nhắc đến đồng chí, đồng đội.

Đất nước đã qua gần 50 năm ngày thống nhất, cứ mỗi độ xuân về trong những niềm vui lại bồi hồi nhớ chuyện xưa... Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại chọn viết câu chuyện về một trận đánh có đến 51 chiến sĩ hy sinh, nó xuất phát từ cơ duyên, cùng cái nghĩa, cái tình của những đồng đội, đồng chí và người ở lại khi nhắc sự kiện lịch sử này ở đất Hậu Giang !

Tình: Ấm lòng người nằm xuống

Khu tưởng niệm có diện tích hơn 5.000m2, nằm ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, ngay trục đường chính từ trung tâm thành phố Vị Thanh về huyện Long Mỹ, là nơi tưởng niệm 51 liệt sĩ thuộc Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9, đã anh dũng hy sinh tại Vịnh Chèo vào năm 1974.

Gió thổi mát rượi, cánh đồng lúa non xanh rờn trải rộng, tiếng chim hót véo von trên những cây xanh mới được trồng quanh đây mấy năm nay. 3 năm, là khoảng thời gian không hề ngắn với một công trình lịch sử nhưng dường như quá dài với những người lính năm xưa, có người ngoài 90, ít hơn đã hơn 70. Tuổi này lẽ ra vui vầy bên con cháu, nhưng nghĩ về đồng đội, nghĩ về các thế hệ tương lai, họ lại xốc vác nhập cuộc, quên đi bệnh tật, quên đi tuổi tác, chỉ một lòng hướng về đồng đội…

Dẫn tôi đi tham quan một vòng khu tưởng niệm, Đại tá Đỗ Hà Thái, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Trưởng ban Quân lực Đoàn 6 Pháo binh, nay là Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9, kể câu chuyện về 51 đồng đội của ông đã hy sinh tại đây và cơ duyên đưa ông từ một người con đất Bắc về sinh sống, lập nghiệp tại vùng đất này. Tất cả vì một chữ duyên, vì tình nghĩa đồng đội và tình người xứ này. “Quê vợ ở huyện Long Mỹ, nên không biết bao lần tôi đi qua cánh đồng Vịnh Chèo. Những ký ức về đồng đội năm xưa từng sống và chiến đấu, từng hy sinh tại đây luôn thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó để ghi nhớ công ơn, để thế hệ hôm nay biết được ngày xưa chúng tôi đã sống, chiến đấu giành lấy độc lập, tự do. Chúng tôi không làm thì sẽ thấy có lỗi với đồng đội, với những người đã ngã xuống”, ông kể.

Thời chiến, đã là người con của nước Việt, phải quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Họ đã anh dũng ngã xuống cho quê hương hôm nay là điều đáng tự hào. Nhắc lại, những người lính đều rơi nước mắt vì cái tình, cái nghĩa, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi, nụ cười của niềm tự hào!

Lần theo những kỷ niệm ngày xưa, Đại tá Đỗ Hà Thái tặng luôn cho tôi quyển “Nhật ký Vũ Xuân”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành và kể về hành trình giữ gìn quyển nhật ký của người bạn thân mấy chục năm trời, cõng hài cốt bạn về quê tận Thái Nguyên để yên lòng người thân, làm tròn trách nhiệm với đồng đội.

Câu chuyện của ông đã được kể rất nhiều lần và tôi từng nghe. Giờ được chính ông rưng rưng nước mắt kể, tôi lại cảm nhận rõ hơn tình đồng chí, đồng đội và cái nghĩa, cái tình của họ đối đãi với nhau. Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân đã hy sinh trên mảnh đất này, cũng trong một trận đánh, cách ngày 51 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tại Vịnh Chèo không xa. Ông là người chôn cất, trồng cây làm dấu ngay ngôi mộ, để sau này biết mà tìm đưa bạn về quê. Ông cũng là người một mình đào lấy cốt liệt sĩ Vũ Xuân mang về quê, trong cơn mưa chiều hối hả cách đây mấy chục năm. Trân quý hơn, ông chính là người giữ gìn cẩn thận những trang nhật ký của liệt sĩ, để đến hôm nay, mọi người mới có cơ hội đọc lại những trang viết ghi lại những suy nghĩ, trăn trở của một người con của quê hương với tình yêu nước nồng nàn, gác bỏ việc nhà, tình riêng vào Nam chiến đấu… Từ đó đến nay, mỗi khi có dịp về thăm quê, ông lại tìm đến nhà liệt sĩ để thăm viếng cho trọn tình, vẹn lời đã hứa. Người lính là vậy, luôn muốn làm điều tốt đẹp để mọi người biết đến thế hệ cha anh, họ đã chiến đấu ra sao, hy sinh như thế nào, để mang lại độc lập, tự do, mọi người hôm nay được sống trong yên bình, hạnh phúc.

Phía trước khu nhà tưởng niệm là con đường rộng, tấp nập xe cộ, người qua lại, xung quanh là đồng lúa xanh mướt, vườn cây ăn trái trĩu quả. Cách nay mấy năm thôi, nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Giờ, đường được xẻ ngang, mở hướng cho sự phát triển và khu tưởng niệm này như nhắc nhở với mọi người rằng trên cánh đồng này, đã có không ít người lính đã ngã xuống, để giữ màu xanh cho đất.

Các cựu chiến binh và lãnh đạo Quân khu 9 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh trong chuyến về thăm khu nhà tưởng niệm.

Tình: Gởi lại mai sau

Kết nối được với những người lính pháo binh xưa ở mọi miền Tổ quốc, Đại tá Đỗ Hà Thái xin ý kiến của người chỉ huy năm xưa - Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Trưởng ban Liên lạc Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9, cùng nhiều đồng đội khác trên mọi miền Tổ quốc, bắt tay vận động, thực hiện xây dựng công trình. Được sự ủng hộ của tỉnh Hậu Giang, mọi việc thuận lợi và cũng chừng ấy thời gian, ông tình nguyện về đây làm “cai” cho công trình.

Khi công trình đã xong, ông vẫn chưa muốn rời đi và tình nguyện ở lại khi sức khỏe còn, để hương khói cho đồng đội nhưng quan trọng hơn là muốn kể lại câu chuyện một thời hoa lửa cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông cho biết: “Anh em ai cũng mừng. Ngày khánh thành công trình, hàng trăm cựu binh, gia đình liệt sĩ từ khắp mọi miền đã tìm về, xúc động và hạnh phúc vô bờ. Riêng tôi, vì gắn bó với công trình này từ đầu khi ở đây còn là một miếng ruộng, giờ đã nên vóc, nên hình, sẽ là nơi có nhiều người đến để tìm hiểu về lịch sử. Tôi muốn ở lại đây như một nhân chứng sống, kể lại những câu chuyện mình từng sống, chiến đấu trên vùng đất này, những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng ra sao để cùng góp chút sức mang lại độc lập, tự do cho dân tộc”.

Được giao làm Trưởng ban vận động, ông Nguyễn Sỹ Nhân, nguyên Trung đội trưởng Trung đội ĐKZ, Tiểu đoàn 2315, Đoàn 6 Pháo binh, dành nhiều công sức cho công trình này. Không biết bao lần ông đến đây, thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh và nói với họ rằng, đáng ra đã là người nằm xuống cùng đồng đội, nhưng vì bị thương nên ông phải lùi về. Còn sống, ông thấy trách nhiệm càng nặng nề và mấy năm qua, xuôi ngược vận động cùng mọi người, nhìn thấy công trình hoàn thiện, ông hạnh phúc không tả nổi. Gặp ai, ông cũng kể câu chuyện đượm buồn của ngày xưa, nhưng nó chính là niềm tin và khát vọng về một ngày chiến thắng. Ông và đồng đội đã làm được, cùng nhau xây dựng công trình mang tầm vóc lịch sử trên đất Hậu Giang.

Ngày trở lại thăm khu di tích hoàn thành, Thiếu tướng Trần Văn Niên như khỏe hẳn ra. Mọi người sợ ông mệt, dắt lại bàn ngồi nghỉ nhưng ông cứ đi lòng vòng, cứ kéo hết người này đến người kia lại chụp hình lưu niệm. Ngay nơi những đồng đội năm xưa đã nằm lại… Nước mắt người lính già lại tiếp tục rơi. Gương mặt cương nghị không giấu nổi trên gương mặt, đôi tay chai sần vì năm tháng, ông cười hiền từ và cứ để giọt nước mắt từ từ chảy, bày tỏ: “Ước nguyện cuối cùng của tôi và đồng đội đã hoàn thành rồi. Tôi khóc là vì hạnh phúc. Hạnh phúc không thể nói nên lời”.

Kể về trận đánh này, người lính pháo binh xưa vẫn nhớ như in. Ông từng chia sẻ, trong đời binh nghiệp, không nhớ trải qua bao trận đánh, chỉ có trận ở Vịnh Chèo làm ông day dứt đến tận bây giờ. Đó là trách nhiệm của người chỉ huy, là cái tình với đồng đội và nỗi đau khi chứng kiến sự hy sinh của họ. Họ còn quá trẻ, đa phần là những người con đất Bắc, vào chi viện chưa lâu…

Khu nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9 hoàn thành là tâm huyết, công sức của bao người, trong đó có những đồng đội năm xưa cùng vận động và chung tay, góp sức. “Trận chiến Pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974” được UBND tỉnh Hậu Giang xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhờ những tấm chân tình đó, tỉnh nhà có thêm một điểm đến lịch sử, để tiếp tục giữ gìn, phát huy.

Mọi thứ đều có thể bị lớp bụi của thời gian làm mờ phai, chỉ có tình người ở lại. Đồng đội đã vì trách nhiệm với những người nằm lại mà góp sức. Thế hệ hôm nay tiếp tục khắc sâu và nối bước họ, làm cho quê hương thắm mãi màu xanh…

Gió từ cánh đồng thổi vào di tích mát rượi, tiếng chim hót véo von như cùng trỗi lên khúc nhạc vui tươi đón chào ngày mới…

Trong trận đánh vào ngày 29-2-1974 của Lữ đoàn Pháo binh 6 - Quân khu 9, được lệnh kết hợp với Trung đoàn Bộ binh 2, tiến lên hình thành thế bao vây chia cắt, chặn đầu, khóa đuôi, cùng bộ phận đối diện tiêu diệt toàn bộ quân địch trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo trong khu vực xóm Miếu Hội, xóm Trà Lồng, phía Bắc Sóc Bà Mai. Tuy nhiên, trận chiến đấu đó đã để lại nhiều tổn thất và 51 người đã hy sinh. Tuy không đạt được kết quả như mong muốn trong trận đánh này, nhưng các cán bộ chỉ huy các cấp trong quân khu đã kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị trong một trận đánh, về chọn trận địa phục kích, bố trí đội hình, sử dụng lực lượng cho những trận đánh tiếp theo tránh được những thiếu sót.

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>