Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp Vị Thanh thời chống Mỹ và sau giải phóng

22/12/2023 | 09:19 GMT+7

Sau Hiệp định Đình chiến Giơnevơ năm 1954, địch đưa quân đóng đồn, lập căn cứ quân sự tại vùng giải phóng Vị Thanh - Hỏa Lựu. Đồng thời, lập biệt khu U Minh với ý đồ tách dân ra khỏi cách mạng, tăng cường bắt bớ, đàn áp nhân dân. Do đó, gần như các hoạt động sản xuất, mua bán, đi lại bị hạn chế, xóm ấp, chợ phố Vị Thanh nghèo nàn, lụp xụp.

Giai đoạn sau năm 1975, tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp trên địa bàn Vị Thanh gặp nhiều khó khăn song đã dần phục hồi.

Một bộ phận dân cư trở về vùng quê, số còn lại sống rải rác tạm bợ ven lộ, mé sông. Để lừa mị nhân dân, với chiêu bài “vừa giữ gìn an ninh, vừa phát triển kinh tế”, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiến hành xây dựng khu Trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, theo đồ án của “Trung ương - Sài Gòn”. Ngoài khu gia cư, các lô vườn, khu phố chợ thương mại; còn có khu công kỹ nghệ ở bên kia bờ kinh xáng Xà No, được đầu tư xây dựng, hoạt động.

Ngoài ra, còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ khác hoạt động dưới dạng “lò” gia đình như: Hàng nước đá, lò rèn, lò tương chao, lò bún, lò bánh, tiệm may, tiệm chụp hình... Ước tính, có khoảng vài trăm công nhân, thợ thuyền cùng các hộ gia đình đảm trách công việc sản xuất; bán sản phẩm qua tận Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu).

Đặc biệt, khi tỉnh Chương Thiện thành lập (1961) với nhiều căn cứ quân sự, hành chính; thu hút lượng lớn binh lính, công chức cùng gia đình thì nhu cầu gia tăng, nên sản phẩm hàng hóa làm ra ngày càng nhiều thêm. Năm 1968, theo ghi nhận tỉnh Chương Thiện đã xuất ra ngoài tỉnh các mặt hàng: Lúa, gạo, heo, gà, vịt, tôm, tép, cá, khô mắm, thúng, cần xé, giỏ,... Nhìn chung hoạt động của các cơ sở công kỹ nghệ Vị Thanh, chủ yếu phục vụ cho bộ máy quân sự, cư dân của một đô thị thời chiến.

Những năm đầu sau giải phóng 1975, Thị ủy và UBND cách mạng lâm thời thị xã Vị Thanh kịp thời chỉ đạo ổn định đời sống và khôi phục sản xuất nông nghiệp. Tại khu vực chợ, phố đã vận động các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mở cửa, tái hoạt động. Qua đó, duy trì được nhà máy đèn, nhà máy nước đá, các trại mộc, lò đường cùng một số nhà máy xay lúa lớn, nhà máy xay lúa nhỏ,...

Những năm sau, do tình hình xăng dầu khan hiếm, lại không có phụ tùng, sửa chữa máy móc, nên các hoạt động tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp dần lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, giai đoạn này đang thực hiện chủ trương tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nên thiếu sự quan tâm về sản xuất tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp.

Lúc sáp nhập huyện Long Mỹ với thị xã Vị Thanh, thị trấn Vị Thanh kế thừa càng gặp khó khăn: Trên địa bàn chỉ còn một số ít nhà máy xay xát, cùng vài ba lò đường, lò tương, cơ sở sửa chữa máy nổ, nhà máy in giải thể, nhà máy đèn giảm hoạt động. Quá trình thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp, một số cơ sở sản xuất được động viên hợp doanh với nhà nước, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan.

Từ sự chỉ đạo gỡ khó của huyện Vị Thanh “Xác định công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh thứ hai sau nông nghiệp”,  Đảng ủy - UBND thị trấn Vị Thanh đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn. Từ năm 1982, 1983 trở đi, tình hình hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dần hồi phục và phát triển, nhất là sau khi từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp; chuyển sang thực hiện hạch toán kinh tế. Các cơ sở quốc doanh, hợp doanh của tỉnh, huyện và một số cơ sở sản xuất cá thể nhỏ lẻ tại thị trấn Vị Thanh, đã có chuyển biến tích cực.

Theo ghi nhận, đến năm 1982 tình hình sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Vị Thanh đã có nhiều khởi sắc. Tại thị trấn Vị Thanh còn có 2 tổ hợp sản xuất xà bông, 2 cơ sở làm nước mắm, các cơ sở làm thùng suốt lúa, dệt vải, se lông vịt,... Từng bước, các xí nghiệp quốc doanh chuyển sang tự hạch toán kinh doanh, hợp tác xã chủ động sản xuất. Các công nhân được trả lương bằng hình thức khoán sản phẩm, có khen thưởng thỏa đáng nên ai cũng phấn khởi sản xuất.

Đến năm 1986, toàn huyện Vị Thanh có 80% cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào làm ăn tập thể, với 2 hình thức quốc doanh và hợp doanh. Bên cạnh đó, vẫn duy trì khá nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng gia đình.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>