Tìm giải pháp ổn định vùng mía nguyên liệu

16/11/2018 | 17:04 GMT+7

(HGO) - Ngày 16-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức buổi diễn đàn “Chuỗi giá trị ngành hàng mía đường và giải pháp liên kết sản xuất nông sản bền vững” trên địa bàn tỉnh. Tham dự diễn đàn có nhiều nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu mía đường, Trường Đại học Cần Thơ, doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp và đông đảo người dân trồng mía trong tỉnh.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp và nhà khoa học chia sẻ thực trạng, giải pháp thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng mía đường tại buổi diễn đàn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, Hậu Giang đang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn của khu vực ĐBSCL và thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với nhà máy đường có nhiều giải pháp đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, do tình hình biến đổi khí hậu, kỹ thuật canh tác của nông dân còn kém, thiếu nguồn giống mía chất lượng, chủ yếu lao động bằng chân, tay nên giá thành sản xuất cao. Đặc biệt trong năm 2018 này, trước tình hình hội nhập quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực (AFTA) nên giá đường trên thị trường giảm mạnh, dẫn đến đường tồn kho kỷ lục, đẩy nhiều nhà máy đường rơi vào cảnh khó khăn, kéo theo giá thu mua mía trong vụ này giảm, người trồng mía không có lời.

Trước tình hình hội nhập và dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do đó để ổn định vùng mía nguyên liệu cho nhà máy đường và đời sống người trồng mía được đảm bảo, tại hội nghị, các nhà khoa học, doanh nghiệp đường và nông dân đã đưa ra nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, Hậu Giang sẽ quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng mía chuyên canh và chỉ giữ lại diện tích mía cho năng suất, chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh trên thị tường; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mía cho nông dân và tiếp tục nghiên cứu, áp dụng cơ giới hóa theo hướng đồng bộ ở các khâu trong sản xuất mía để hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, trong đó chính quyền địa phương tổ chức kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp mía đường bao tiêu sản phẩm để đảm bảo người trồng mía đạt lợi nhuận cao khi thu hoạch. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá, cũng như những chính sách hấp dẫn khác để các doanh nghiệp mía đường có điều kiện tốt để mạnh dạn đầu tư liên kết với nông dân từ việc hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Buổi diễn đàn đã diễn ra khá thành công khi ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân. Từ những ý kiến này thì tới đây ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương có mía trên địa bàn tỉnh sẽ rút ra được nhiều giải pháp căn cơ nhất để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành mía đường nói riêng và các mặt hàng nông sản có giá trị của Hậu Giang nói chung. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tập hợp các ý kiến này để làm cơ sở đề xuất với UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương nhằm có giải pháp hỗ trợ cho nông dân Hậu Giang phát triển sản xuất bền vững trong thời gian tới…

Tin, ảnh: H.PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>