WTO cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sâu

03/11/2023 | 10:16 GMT+7

Giao tranh liên tục xảy ra ở những vùng kinh tế trọng điểm khiến nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sâu trong năm 2023 so với dự kiến.

Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót sau cuộc không kích của Israel ở Deir al-Balah, Gaza, ngày 22-10. Nguồn: AP

Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phân tách thành hai khối thương mại và điều này có thể dẫn đến việc GDP toàn cầu giảm tới 5%. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ lo ngại về thực trạng xung đột Israel - Hamas ngày càng leo thang và lan rộng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bởi lẽ, Trung Đông là một trong những khu vực sản xuất ra nhiều dầu và khí đốt trên thế giới. Vì vậy, nếu chiến tranh lan rộng chắc chắn nguồn cung bị gián đoạn hoặc thiếu hụt. Từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông Okonjo-Iweala, cảnh báo đây sẽ là một “tổn thất to lớn”, tương đương với việc mất đi toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản.

Chính những yếu tố trên nên hồi đầu tháng 10, WTO đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 xuống 0,8% so với mức 1,7% ước tính trước đó.

Theo WTO, triển vọng kinh tế cho năm 2024 vẫn tương đối lạc quan, với mức tăng trưởng dự kiến vào khoảng 3,3%, nhưng rủi ro mức tăng trưởng này giảm đi là rất lớn.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bị phân mảnh ngày càng nghiêm trọng và điều này có thể làm giảm tới 7% sản lượng kinh tế toàn cầu. Theo IMF, mức thiệt hại còn có thể lên tới 8-12% ở một số quốc gia, nếu công nghệ bị tách rời.

Báo cáo của tổ chức này cho biết, các liên kết thương mại rời rạc sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia có thu nhập thấp, các thị trường mới nổi và người tiêu dùng nghèo ở các nền kinh tế tiên tiến.

Với việc chia sẻ rủi ro quốc tế ít hơn, sự phân mảnh kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến biến động kinh tế vĩ mô cao hơn, khủng hoảng nghiêm trọng hơn và áp lực lớn hơn đối với các vùng đệm quốc gia.

Tình trạng này cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.

Một nhân tố quan trọng khác cũng là rào cản để kinh tế toàn cầu phát triển đó là xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 2-2022 đến tháng 8-2023, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 66,2 tỉ USD (43,1 tỉ là vũ khí). Hiện Mỹ đã đề xuất Quốc hội phân bổ viện trợ thêm 24 tỉ USD cho Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Anh, Đức, Nhật Bản, Canada, Ba Lan… đã viện trợ Ukraine hơn 76,7 tỉ USD.

Riêng Ukraine, năm 2023 chi phí quốc phòng dự kiến chi 40 tỉ USD, năm 2024 dự kiến tăng lên 45 tỉ USD. Thâm hụt ngân sách hơn 40 tỉ USD, chi phí tái thiết tối thiểu 411 tỉ USD gấp 3 lần năm 2022. Trong khi đó, Nga cũng phải chi một khoản cao hơn các chi phí trên cộng lại để dồn sức cho cuộc xung đột.

Mặt khác, hàng chục ngàn binh sĩ và người dân của cả hai phía phải chết trong cuộc xung đột này. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng Ukraine bị tàn phá nặng nề phải hàng chục năm sau chưa thể phục hồi.

Đáng quan ngại, nguồn lương thực dồi dào của Ukraine bị bao vây không thể xuất khẩu sang các nước làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung lương thực cho các quốc gia châu Âu và nguồn thu nhập kinh tế của quốc gia này. Yếu tố này cũng đã trực tiếp đẩy giá lương thực tăng cao. Ngược lại, xung đột cũng làm nguồn khí đốt xuất khẩu từ Nga sang EU bị ngưng trệ gây ra tổn thất rất lớn về mặt kinh tế của quốc gia này. Chưa kể các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và các quốc gia khác nhằm vào Nga.

Tiếp sau đó là thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra trên toàn cầu khiến nạn thiếu, đói ở nhiều quốc gia thêm trầm trọng hơn.

Chính những yếu tố trên là nguyên nhân trực tiếp khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm là điều chắc chắn. Đây cũng là tín hiệu xấu cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó trong những năm tiếp theo.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>