Sau Covid-19, tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa các dịch bệnh

31/10/2023 | 09:02 GMT+7

Gần 3 năm nỗ lực triển khai, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước đã đạt được những kết quả thắng lợi, đó là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vươn lên phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Chiến lược vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đã mang lại nhiều hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch của nước ta. (Ảnh chụp năm 2021)

Thành quả của sự triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời

Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước một đại dịch nguy hiểm, với quy mô toàn cầu và chưa có tiền lệ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta đối mặt với không ít cam go, thách thức. Từ tháng 1-2020, nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn chống dịch đầu tiên. Đến hết tháng 9-2021, đã có 4 đợt dịch bùng phát trên cả nước, với 790.755 trường hợp mắc và 19.301 trường hợp tử vong. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân khi chưa có vắc-xin, thuốc điều trị đặc hiệu, nước ta áp dụng chiến lược “không Covid-19” trong giai đoạn này.

Xác định được tầm quan trọng của vắc-xin, Việt Nam đã tích cực huy động nguồn lực, tiếp cận và đưa vắc-xin miễn phí đến với người dân trên cả nước. Khi đã có tỷ lệ bao phủ vắc-xin khá cao, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của nước ta. Bước sang giai đoạn 2 này, chiến lược vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kịp thời và mang lại nhiều hiệu quả.

Tính đến nay, cả nước đã tiêm hơn 266,5 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Từ một nước tiếp cận sau về vắc-xin với tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới. Theo TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: “Chiến dịch triển khai vắc-xin này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại. Việt Nam cũng phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, cách thức ứng phó Covid-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện”.

Qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát, cả nước đã có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43.000 trường hợp tử vong. Trong đó, hơn 99% số trường hợp mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, số trường hợp mắc Covid-19 đã giảm gấp nhiều lần so với những năm trước. Đặc biệt, trong 5 tháng qua, không có trường hợp nào tử vong do Covid-19.

Trước kết quả phấn khởi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng ta đã “đi sau về trước” trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch Covid-19. Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”.

Tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh

Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nước ta đã vượt qua đại dịch Covid-19. Năm 2023, tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện còn 0,02%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây. Do đó, vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nội dung này đã được ban hành tại Quyết định số 3896 ngày 19-10-2023 của Bộ Y tế và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2023.

Như vậy, Covid-19 không còn được xếp vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh dịch. Mà hiện nay, Covid-19 được xem là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo đó, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cũng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý: “Phải tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài”. Do đó, nước ta cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành, tạo lập hệ thống pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, kể cả tình trạng khẩn cấp.

Riêng đối với ngành y tế, cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết về thuốc, vắc-xin, vật tư y tế,… để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch. Thực hiện Chỉ thị số 25 ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông và các giải pháp về công nghệ cũng cần tiếp tục phát huy vai trò trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương duy trì chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin tạo đồng thuận xã hội sau khi chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và tiêm chủng vắc-xin. Tiếp tục triển khai, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch”.

Sau 3 năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp đã kết thúc hoạt động. Phấn khởi trước các thành quả đã đạt được, nước ta sẽ tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh, kể cả dịch Covid-19. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

“Chúng ta đã “đi sau về trước” trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch Covid-19”

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng ta đã “đi sau về trước” trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch Covid-19. Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>