Sau tiếng trống múa lân...

22/04/2021 | 08:47 GMT+7

Ít ai biết rằng, đằng sau những màn biểu diễn múa lân sư rồng ấn tượng là cả một quá trình tập luyện gian nan, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, đối với môn lân sư rồng, tỉnh cũng đạt nhiều thành tích cao tại các giải đấu toàn quốc.

Những chú lân sặc sỡ vờn múa giữa dòng người đông đúc, đây là hình ảnh dễ dàng bắt gặp mỗi khi các CLB hay đội lân xuất hiện biểu diễn. Được trực tiếp chứng kiến giờ tập luyện của đội lân phường V, thành phố Vị Thanh, gọi là tập luyện nhưng bài bản, lớp lang như đang biểu diễn. Anh Trần Thanh Nghị, công chức văn hóa xã hội phường V, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Nhìn thì dễ vậy thôi, chứ phải uốn nắn dữ lắm mới được thuần thục như vậy. Múa lân không phải đơn giản là giơ đầu lên rung, lắc, mà lúc đó người múa phải hình dung mình là một con lân thực sự. Từ cái bước đi, đến cái chớp mắt phải lột tả được thần thái của con lân vừa hung mãnh, vừa ngộ nghĩnh”.

Trên nền tảng Clb múa lân đã có của địa phương, năm 2011 phường V đã tập hợp những em có đam mê múa lân trên địa bàn để thành lập đội lân. Hiện đội có hơn 10 thành viên đang tham gia luyện tập, với độ tuổi khác nhau. Ngoài đòi hỏi khổ luyện để có những màn biểu diễn độc đáo, thì để thu hút mọi người các đội lân cũng chủ động đầu tư trang phục, lân, trống, xèng bắt mắt. “Thường con lân hay trang phục múa lân, mình phải mua chứ không thể tự làm được, mà kinh phí để mua sắm các thứ này cũng khá lớn. Đa phần các vật dụng dành cho múa lân chỉ có thể mua ở Sài Gòn hoặc các thành phố lớn, chứ ở tỉnh không có điểm bán. Vì vậy, ngoài những vật dụng, trang thiết bị được phường mua sắm từ những ngày đầu thành lập đội, hiện qua những lần đi biểu diễn chúng tôi cũng dành ra một phần kinh phí để tự trang bị thêm dụng cụ tập luyện” anh Nghị chia sẻ thêm.

Là một trong những đội lân được thành lập khá lâu trên địa bàn tỉnh, vượt lên khó khăn của những ngày đầu hình thành, Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ, đã dần khẳng định được vị trí của nghệ thuật lân sư rồng cho tỉnh. Ông Phan Văn So, huấn luyện viên Đội lân sư rồng Tư So Đường, chia sẻ: “Khác với các môn thể thao thông thường, để chơi được múa lân đòi hỏi phải có sự gan dạ, hành động quyết đoán và độ chính xác cao. Nếu chơi được môn này ngoài đam mê, thì bắt buộc vận động viên phải biết các tư thế võ. Theo tôi, mỗi vận động viên sẽ có một sở trường, vì vậy, để họ bộc lộ hết năng khiếu, thường tôi sẽ xem xét và bố trí ở một vị trí phù hợp, để từng người phát huy hết khả năng. Cũng nhờ vậy, mà đội của chúng tôi mới có thể duy trì đến hiện nay”.

Mặc dù được thành lập trước giải phóng, nhưng đến năm 1995, Đội lân sư rồng Tư So Đường mới được củng cố và phát triển. Hiện đội có 20 vận động viên được tuyển chọn, với độ tuổi từ 16 trở lên và một đội vận động viên năng khiếu từ 13-15 tuổi, là học sinh đang học tại các trường. “Vận động viên tham gia múa lân, thường mình sẽ tuyển chọn các em có độ tuổi từ 10-12 tuổi, vì các em nhỏ tư thế luyện tập có thể uốn nắn dễ dàng hơn những em lớn tuổi. Nhằm giúp cho lực lượng năng khiếu, được rèn luyện từ sớm đối với tư thế khó nhất là bài Mai hoa thung, hiện chúng tôi đang đầu tư kinh phí làm dàn Mai hoa thung nhỏ. Mặc dù múa lân đã có từ lâu đời, nhưng theo tôi thì từ năm 2015 đến nay, thì môn này mới bắt đầu phát triển mạnh thôi” ông So bộc bạch.

Hiện Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ là đội lân lớn nhất tỉnh, có khả năng tham gia thi đấu tại các giải đấu lớn cấp tỉnh và toàn quốc. Để giúp các vận động viên có thể gắn bó lâu dài với bộ môn nay, đội còn nhận phục vụ các sự kiện như khai trương, khánh thành, khởi công… cho các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu. Nhờ đó, cũng có thêm một phần thu nhập hỗ trợ cho người chơi.

Ngày nay, tuy múa lân đã trở nên gần gũi và thân thuộc được rất nhiều người đón nhận, tuy nhiên, với tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị chấn thương khi thực hiện các động tác khó. Mặt khác, phần thu nhập từ múa lân rất ít, phần chi phí đầu tư từ trang phục đến dụng cụ khá lớn, nên nhiều người dù rất đam mê với múa lân bắt buộc phải tìm cho mình một nghề khác để trang trải cuộc sống. Với những lý do đó, từ một địa phương có nhiều câu lạc bộ, đội lân sư rồng, hiện môn múa lân trên địa bàn huyện Vị Thủy đã dần mất hút. Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Vị Thủy, cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, thì trên địa bàn có 4 câu lạc bộ, đội lân hoạt động và có thể thi đấu được. Tuy nhiên, vì kinh tế khó khăn, các vận động viên ở những câu lạc bộ, đội lân này đã bỏ địa phương đi làm ăn xa hoặc làm nghề khác, nên tất cả đã giải tán. Mặc dù, múa lân là một môn được nhiều người yêu thích, nhưng do phần kinh phí đầu tư trang phục, dụng cụ tập luyện khá lớn, nên chúng tôi vẫn rất đắn đo nếu xin củng cố lại các câu lạc bộ, đội lân ở địa phương”.

Trước đây, các câu lạc bộ, đội lân trên địa bàn huyện Vị Thủy, cũng được địa phương quan tâm hỗ trợ trang phục, lân… để hoạt động, nhưng thời gian sau này, ít tập luyện những vật dụng này đã cũ và hư hỏng. Theo địa phương, nếu củng cố lại môn múa lân trên địa bàn, cần đầu tư nguồn kinh phí khá lớn khoảng 300 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, trang phục tập luyện.

Tính đến thời điểm hiện nay, các câu lạc bộ, đội lân trên địa bàn tỉnh hiện không còn nhiều do công việc này không ổn định, quá trình tập luyện gian khổ… Do đó, chỉ có niềm đam mê cháy bỏng mới có thể giúp những người đã và đang khổ luyện hàng năm, với bộ môn nghệ thuật múa lân giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật biểu diễn công phu này.

 Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>