Thể thao thành tích cao và những nút thắt cần tháo gỡ

25/04/2024 | 07:19 GMT+7

Lực lượng vận động viên thiếu, chưa đầy đủ các tuyến đào tạo, ít tham gia thi đấu,... là khó khăn đang tồn tại trong quá trình phát triển thể thao thành tích cao tại Hậu Giang.

Từng là vận động viên cử tạ nhưng Lý Trọng Nhân lại đạt nhiều thành công khi được điều chuyển sang tập luyện môn bắn cung.

Khó “liệu cơm gắp mắm”

Dù được hình thành từ năm 2016, nhưng chưa bao giờ lực lượng đội bắn cung Hậu Giang vượt qua số lượng 10 vận động viên. Đến nay, đội chỉ còn 3 vận động viên, với 1 trẻ và 2 năng khiếu. Hàng năm, ban huấn luyện đều tiến hành tuyển chọn bổ sung lực lượng, sau đó tập luyện khoảng 6 tháng, các em không đáp ứng được nhu cầu phát triển chuyên môn, buộc phải đào thải và làm lại từ đầu. Tại tỉnh ít người biết về môn bắn cung, lại chưa xây dựng được câu lạc bộ cơ sở khiến việc tuyển chọn lực lượng mới hạn chế.

Chị Lý Thị Kim Trang, huấn luyện viên đội bắn cung Hậu Giang, bày tỏ: “Do ít vận động viên nên khi dự các giải quốc gia, đội chỉ chọn vài nội dung thế mạnh dự tranh khiến khả năng cạnh tranh huy chương thấp. Chúng tôi không thể triển khai tập luyện, thi đấu các bài phối hợp đồng đội, ảnh hưởng nhiều đến chiến thuật”.

Còn với 12 vận động viên ở 2 tuyến tuyển (10 người) và trẻ (2 người) vẫn là khá ít so với quy mô của môn tập thể như bóng chuyền. Theo quy định, môn bóng chuyền khi đăng ký sơ bộ có thể từ 18 - 20 vận động viên; chính thức thi đấu được quyền đăng ký 14 vận động viên, thoáng qua số lượng là đủ nhưng thực sự lại… thiếu. Bóng chuyền là môn thể thao đối kháng không trực tiếp, cần thiết phải tập luyện phối hợp nhóm, đội hình để các vận động viên có sự ăn ý, nhuần nhuyễn những pha xử lý bóng. Với số lượng vận động viên ít gây khó khăn trong việc tập luyện chuyên nghiệp. Trường hợp vận động viên bị chấn thương, ban huấn luyện lại chẳng tìm kiếm được nhân sự thay thế phù hợp.

Xu hướng hiện nay của các đội bóng chuyền nam, nữ trên toàn quốc là chuyển nhượng cầu thủ, chiêu mộ ngoại binh, nhưng kinh phí là trăn trở của thể thao tỉnh nhà. Anh Phạm Văn Tài, huấn luyện viên đội bóng chuyền nữ tỉnh, chia sẻ: “Từ thăng hạng đội mạnh năm 2018 đến nay, đội ít được tham gia thi đấu giải vì thiếu kinh phí lẫn lực lượng. Đáng tiếc năm nay, đội không thể góp mặt ở vòng bảng giải hạng A toàn quốc dù năm trước đã đặt chân vào vòng chung kết. Chúng tôi mong chờ đề án đội bóng chuyền nữ sớm được phê duyệt để có thêm những định hướng, kế hoạch, chiến lược phù hợp phát triển”.

Thể thao thành tích cao tỉnh hiện đào tạo 13 môn thể thao, trong đó gần một nửa số môn có lực lượng khá khiêm tốn. Như cử tạ 2 vận động viên (trẻ), bi sắt 5 vận động viên (2 tuyển, 1 trẻ, 2 năng khiếu), cờ vua 7 vận động viên (2 trẻ, 3 năng khiếu, 2 năng khiếu bán tập trung)…

Gỡ khó từ đâu ?

Thực tế những năm qua, thể thao thành tích cao tỉnh đã vượt khó và đạt được nhiều kết quả tích cực ở các giải quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, thành tích chỉ tập trung nhiều vào nhóm môn được đầu tư trọng điểm từ Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, có đủ các tuyến lực lượng như điền kinh, judo, kickboxing.

Do đó, nếu xác định đây là cách làm căn cơ, lâu dài chắc chắn để lại nỗi lo lớn khi các môn phát triển không đồng đều, đến một thời điểm, thành tích sẽ bị chựng, thậm chí thụt lùi.

Ban huấn luyện luôn tràn đầy nhiệt huyết, nỗ lực uyển chuyển giáo án chiến thuật, huấn luyện phù hợp với nhu cầu thực tế. Thay vì ưu tiên thành tích chớp nhoáng, nhiều môn xác định xây dựng lực lượng vững vàng ngay từ cơ sở. Cách làm “ăn chắc mặc bền” được các môn võ thuật tận dụng phát huy, tuy nhiên, chỉ karate, Vovinam đem về tín hiệu tích cực khi có lực lượng võ sinh theo học đông, dễ dàng lựa chọn gương mặt mới thông qua giải thi đấu. Trong khi kickboxing, judo, jujitsu tiếp tục gặp khó khi xây dựng câu lạc bộ cơ sở do còn khá lạ lẫm với người dân Hậu Giang.

Ngành chuyên môn đang tích cực đưa thể thao gần hơn với mọi người, giúp họ hiểu và tham gia tập luyện. Vừa giúp dễ dàng tuyển chọn lực lượng lẫn thực hiện tốt hơn công tác xã hội hóa. Nhiều môn như cờ vua, kickboxing, judo… đã tranh thủ nguồn lực từ cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tham gia thi đấu thay nguồn kinh phí ngân sách.

Đơn vị chủ quản còn tiến hành luân chuyển nhiều vận động viên không phù hợp về thể trạng, tầm vóc, thế mạnh của môn này sang môn khác để phát huy tối đa năng lực. Vận động viên sẽ nỗ lực, phấn đấu cho chính bản thân mình để phù hợp hơn với môi trường mới, tránh trường hợp bị đào thải…

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, thông tin: “Chúng tôi cố gắng cân đối kinh phí hàng năm để đảm bảo các bộ môn được tham gia thi đấu, bổ sung lực lượng mới, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định. Hướng tới, tập trung phát huy các môn thế mạnh sẵn có, tiếp tục duy trì thành tích đạt được và chú trọng xây dựng phong trào cơ sở mạnh”.

Thực tế cho thấy: Muốn thể thao thành tích cao tỉnh tiếp tục đứng vững ở đấu trường quốc gia, khu vực, bài toán lực lượng, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>