Những điểm mới nổi bật của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

23/06/2016 | 15:57 GMT+7

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2003 đã không còn phù hợp do tình hình kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi. Ngày 27-11-2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Bộ luật TTHS 2015.

Nhân việc bộ luật này sắp có hiệu lực (từ ngày 1-7-2016), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia pháp lý và luật sư về những điểm mới nổi bật của Bộ luật TTHS.

Một phiên tòa được xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân Tối cao. Ảnh: DOÃN HƯNG.

PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: Phân định mạch lạc, chính xác các giai đoạn tố tụng

Phân định chính xác, mạch lạc các giai đoạn tố tụng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trình tự thủ tục, thời hạn nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của tố tụng hình sự. Nhằm bảo đảm tính khoa học trong việc phân chia các giai đoạn tố tụng, khắc phục hạn chế trong kỹ thuật lập pháp, Bộ luật TTHS năm 2015 xác định tố tụng hình sự có 5 giai đoạn: Khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử; thi hành án. Trên cơ sở đó đã điều chỉnh khung kết cấu của bộ luật: Thứ nhất, tách truy tố thành phần độc lập với hai quy định đầy đủ nội dung của giai đoạn tố tụng quan trọng này. Thứ hai, bố cục thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm điều chỉnh chung trong một phần, các thiết kế này ngoài việc phản ánh chính xác nguyên tắc hai cấp xét xử, còn tạo cơ sở để loại bỏ những quy định trùng lặp, không nhất thiết phải quy định lặp đi lặp lại ở cả sơ thẩm và phúc thẩm. Thứ ba, tiếp tục khẳng định thi hành án là một giai đoạn của tố tụng hình sự; đây là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa đưa kết quả của toàn bộ quá trình tố tụng thực thi trên thực tế.

TS Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự, Bộ luật TTHS năm 2015 đưa vấn đề tranh tụng trong xét xử thành một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng, giữ vai trò chi phối và định hướng cho toàn bộ hoạt động và hành vi tố tụng của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án hình sự, phù hợp với chức năng tố tụng của các chủ thể. Nguyên tắc này khẳng định quyền bình đẳng của điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, yêu cầu và tranh luận trước Tòa án; quy định rõ mọi chứng cứ tình tiết của vụ án đều phải được trình bày, tranh luận làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án được ban hành phải căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra đánh giá tại phiên tòa… Trên cơ sở bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật TTHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa nguyên tắc này, bảo đảm nguyên tắc này được thực hiện trong thực tế.

Luật sư Hoàng Văn Dũng, Công ty Luật Bross và Cộng sự (Hà Nội): Mang tính chất nhân đạo

Trong Bộ luật TTHS năm 2015 có một số điểm mới như giảm số lượng điều luật không áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người buôn bán, vận chuyển chất ma túy do mục đích của những đối tượng này là hướng tới lợi nhuận và những trường hợp tương tự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 75 tuổi nếu đối tượng đó phạm tội vào điều luật quy định phải tử hình, trường hợp bị kết án tử hình nhưng khi thi hành án đã ngoài 75 tuổi thì cũng không phải áp dụng hình phạt tử hình; những người phạm tội tham ô, nhận hối lộ sau khi bị kết án tử hình nếu tự nguyện nộp ít nhất ¾ tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không phải áp dụng hình phạt tử hình… Đây là những vấn đề dư luận rất quan tâm và đã có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng dưới góc nhìn của một luật sư, tôi thấy đây là những mặt rất tích cực của Bộ luật TTHS năm 2015.

Luật sư Trần Đại Ngọc, Công ty Luật TNHH Trần Nguyễn (Hà Nội): Mở rộng thêm quyền bào chữa

Bộ luật mới thay đổi quan trọng về quyền bào chữa, như mở rộng diện chủ thể được hưởng quyền bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; mở rộng chủ thể bào chữa; bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa chuyển sang thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng được tự mình bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có một chủ thể người bào chữa mới đó là “người đại diện của người bị buộc tội”.

Bộ luật này cũng đã quy định rõ ràng văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, tránh được việc “làm khó” người bào chữa như trước đây. Thêm vào đó là việc mở rộng các quyền của người bào chữa, các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Có thể nói Bộ luật TTHS 2015 đã thể hiện rõ hơn về quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Luật sư Lê Văn Lên, Văn phòng luật sư Quốc Dân (Bà Rịa - Vũng Tàu): Quy định rõ về pháp nhân thương mại

Pháp nhân là một trong những thành phần tham gia nhiều nhất vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong quá trình hoạt động của mình, bên cạnh những điểm tích cực còn tồn tại nhiều điểm hạn chế như hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... gây ảnh hưởng xấu đến các quan hệ xã hội. Đặc biệt, hậu quả của pháp nhân gây ra thường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều người, môi trường và trật tự kinh tế xã hội, vì vậy quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân là điểm mới tích cực nhằm góp phần hạn chế và trừng trị những điểm tiêu cực của pháp nhân.

Bộ luật TTHS 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại, xác định cụ thể điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo HOÀNG NHƯỠNG - HẢI HOÀNG (lược ghi)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>