Cam xoàn Phương Phú

Sản xuất hướng đến sức khỏe người tiêu dùng

09/06/2016 | 08:21 GMT+7

Thời gian qua, nhà vườn trồng cam xoàn và chính quyền địa phương ở huyện Phụng Hiệp không chỉ quan tâm xây dựng thương hiệu mà còn chú ý đến chất lượng trái cam xoàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Các nhà vườn luôn tuân thủ quy trình VietGAP để sản xuất ra trái cây sạch.

Chính thức được thành lập vào ngày 26-4-2014, Hợp tác xã (HTX) Cam xoàn Phương Phú với diện tích sản xuất 30,8ha và có 21 thành viên thực hiện theo hình thức sản xuất tập thể. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, từ việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch và các nhà khoa học với vai trò hướng dẫn kỹ thuật. Khi HTX được thành lập, các thành viên cũng được triển khai quy trình sản xuất cam xoàn theo hướng VietGAP.

Cách đây 3 năm, khi cây mía không mang lại hiệu quả, anh Nguyễn Thanh Lĩnh, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, mạnh dạn chuyển đổi hơn 7 công mía sang trồng cam xoàn. Khi cam được 1 năm tuổi, anh đăng ký tham gia HTX và tuân thủ các bước sản xuất theo quy trình VietGAP. Anh Lĩnh cho biết: “Do diện tích nhỏ nên khi tham gia HTX sẽ khỏi phải lo trái cây bán ra bị ép giá. Mặt khác, HTX cũng triển khai quy trình VietGAP, cách làm này tuy có nhiều cái khó, do phải tuân thủ nhiều quy định, nhưng bù lại trái cây làm ra sạch nên dễ bán và có giá hơn. Khi tham gia mô hình, tôi đã bỏ ra 2 triệu đồng mua trang thiết bị cần thiết và xây dựng các hố chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trái cây hư...”.

Hiện nay, gần như 100% xã viên của HTX đều áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, đảm bảo 8 bước quan trọng trong sản xuất cam. Trong đó, chú trọng việc sử dụng thuốc BVTV như: phân định các loại thuốc, kho bãi chứa, liều lượng cũng như thời gian cách ly, đảm bảo trái cam sau khi thu hoạch không còn dư lượng thuốc BVTV. Ông Trần Văn Khâm, ở xã Phương Phú, cho hay: “Khi vào HTX phải tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP như thuốc phải ghi rõ là dùng cho cây ăn trái và phân biệt cụ thể thuốc dạng lỏng thì để riêng, dạng đặc để riêng. Còn trái cây rụng, hay cắt tỉa nhánh phải gom bỏ vào hố. Bên cạnh đó, khi thu hoạch cam ít nhất phải cách ly từ 18-20 ngày sau khi phun thuốc BVTV để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.             

Sản xuất cam theo quy trình VietGAP đòi hỏi nhà vườn phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt, vì vậy cam xoàn khi sản xuất ra luôn được thị trường chấp nhận. Trong 30,8ha của HTX, có gần 20ha đang cho trái, năng suất đạt từ 2,5-3 tấn/công, cao hơn các nhà vườn ngoài HTX khoảng 500kg/công, tỷ lệ trái tròn đều chiếm 80%. Đồng thời, giá bán cũng cao hơn các nhà vườn ngoài HTX từ 20-30%. Năm qua, HTX xuất bán hơn 400 tấn cam, đem về nguồn thu gần 12 tỉ đồng cho các nhà vườn. Ông Võ Văn Đê, Giám đốc HTX Cam xoàn Phương Phú, cho hay: Hiện nay, các thành viên HTX đều tuân thủ đúng quy trình sản xuất là sử dụng thuốc có định kỳ, ghi sổ nhật ký rõ ràng, vì cách làm này có nhiều cái lợi cho xã viên. Khi đến cuối vụ sẽ có nhận xét, loại phân thuốc nào phù hợp để vụ sau tiếp tục sử dụng. Với những thành công bước đầu, tới đây HTX tiếp tục mở rộng thành viên, đồng thời triển khai trồng rải vụ để có trái cây cung ứng cho thị trường.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Khi cam xoàn của huyện được cấp chứng nhận nhãn hiệu, vấn đề cần làm hiện nay là nâng cao năng suất và chất lượng trái. Thời gian qua, ngành thí điểm áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất cam theo hướng VietGAP ở HTX Cam xoàn Phương Phú và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tới đây, sẽ tiếp tục triển khai cho nhà vườn ở các đơn vị khác. Mục tiêu của huyện là trái cam xoàn làm ra phải không còn dư lượng thuốc BVTV để đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên không chỉ năng suất cao mà trái cam xoàn ở Phụng Hiệp luôn tròn đều, vị ngọt thanh hơn so với trái cam xoàn ở những nơi khác. Hiện nay, cam xoàn ở Phụng Hiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, không chỉ được nâng giá trị mà còn giúp cho các nhà vườn trồng cam xoàn nâng cao thu nhập và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

8 bước quy trình VietGAP của HTX Cam xoàn Phương Phú gồm: ghi chép sổ nhật ký sản xuất; làm tủ thuốc y tế; đào 2 hố, một hố để xử lý thuốc BVTV tồn dư và một hố xử lý trái hư; xây dựng kho thuốc BVTV; làm biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc; trang bị đồ bảo hộ lao động; cần dẹp cầu cá trong vườn cây; có biển cảnh báo như: kho phân, hố xử lý trái hư…

 

Bài, ảnh: THANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>