ĐBSCL vào đợt hạn mặn khốc liệt

25/04/2024 | 07:22 GMT+7

Bài 4: Chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống hạn mặn kéo dài

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt; tuy nhiên, với sự chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hiệu quả nên đến thời điểm này, tỉnh Hậu Giang chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất do hạn, mặn gây ra. Phóng viên Báo Hậu Giang vừa có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn.

Ông Ngô Minh Long (bìa phải), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Xin ông cho biết cụ thể về tình hình xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay như thế nào ?

- Từ đầu năm đến nay, xâm nhập mặn từ thủy triều biển Tây qua sông Ngan Dừa và kênh Chắc Băng tiến vào địa bàn huyện Long Mỹ với nồng độ dao động từ 5‰ đến hơn 13‰, trong đó độ mặn cao nhất là 13,3‰ xuất hiện ở ngã ba sông Nước Trong vào ngày 22-4 vừa qua. Cũng từ thủy triều biển Tây qua sông Cái Lớn xâm nhập vào địa bàn thành phố Vị Thanh và một phần của huyện Long Mỹ (xã Vĩnh Viễn A), độ mặn dao động từ 3‰ đến hơn 12‰, cá biệt là vào ngày 22-4, độ mặn khu vực này tăng đột biến khi đạt mức cao nhất 12,6‰, xuất hiện tại Kênh Lầu, thành phố Vị Thanh. So với cùng kỳ thì độ mặn tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đang cao hơn từ 3-6,7‰.

Ngoài tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt thì lượng nước ngọt từ thượng nguồn theo sông Hậu đổ về tỉnh từ đầu mùa khô đến nay rất thấp, đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng ít xuất hiện mưa trái mùa như mọi năm mà đổi lại là nắng nóng gay gắt với nhiệt độ từ 36-380C; chính vì vậy, lượng nước ngọt từ các sông, kênh bị xuống thấp, từ đó phần nào làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là tại những vùng giáp ranh với xâm nhập mặn. Ngoài ra, hạn hán trong thời gian qua còn tạo điều kiện cho ranh nước mặn lấn sâu vào nội đồng với nồng độ cao.

Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì trên địa bàn tỉnh có tình trạng người dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt do hạn, mặn gây ra không, thưa ông ?

- Qua rà soát mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh và một số đơn vị liên quan của tỉnh thì hiện toàn tỉnh có khoảng 2.174 hộ có khả năng bị thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. Nguyên nhân là bà con ở các ngõ ngách trong vùng sâu nên các tuyến ống cung cấp nước sạch chưa đến được với người dân. Để tháo gỡ vấn đề trên, hiện Sở NN&PTNT tỉnh đã xin UBND tỉnh cho chủ trương tiếp tục đấu nối thêm ống dẫn nước để mở rộng phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân trong thời gian tới. Dự kiến sẽ đấu nối kéo thêm khoảng 34km đường dẫn nước tại những nơi có điều kiện.

Về tình hình thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho người dân trong tỉnh từ đầu mùa khô đến nay ra sao, thưa ông ?

- Mặc dù hạn, mặn từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt, nhất là trong tháng 4 này; tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là đến thời điểm hiện nay, Hậu Giang chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn, mặn gây ra cho người dân, đặc biệt là trên cây trồng chủ lực của tỉnh là lúa.

Thưa ông, để có được kết quả ấn tượng như trên thì tỉnh đã thực hiện các giải pháp trong ứng phó hạn, mặn như thế nào ?

- Ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, độ mặn tại các cửa sông chính để kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ đầu mùa khô đến nay, ngoài phát huy vai trò của các trạm đo mặn tự động thì hàng ngày, cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh còn thường xuyên đi kiểm tra độ mặn tại những điểm chính và nhanh chóng thông báo cho lãnh đạo địa phương, cũng như người dân trong vùng có nước mặn xâm nhập chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống. Bên cạnh đó, khi phát hiện nơi nào có nồng độ mặn vượt mức 1,5‰ thì các địa phương nhanh chóng vận hành đóng cống để ngăn mặn. Qua rà soát thì đến nay, toàn tỉnh đã đóng 59 cống tròn và cống hở để ngăn mặn, trong đó tập trung tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Nhờ sự chủ động trong công tác ứng phó nên thời gian qua, dù mặn xuất hiện với nồng độ khá cao, nhưng người dân trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh vẫn đảm bảo được nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nhất là bảo vệ tốt vụ lúa Đông xuân 2023-2024 khi nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống sớm nhằm né mặn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh.

Bên cạnh việc ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả thì từ đầu mùa khô đến nay, các địa phương trong tỉnh còn chủ động duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi gắn với nạo vét kênh, mương nội đồng nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian hạn hán được ngành chức năng dự báo ngay từ đầu mùa khô là diễn ra gay gắt.

Với việc triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp nên đến thời điểm này, Hậu Giang chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn, mặn gây ra.

Theo dự báo thì tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, vậy ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân trong tỉnh về thực hiện giải pháp ứng phó, thưa ông ?

- Giải pháp trước tiên là tiếp tục thực hiện tốt công tác quan trắc độ mặn, cũng như thường xuyên cập nhật dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của ngành chức năng; sau đó thông tin nhanh đến với chính quyền địa phương và người dân vùng hạn, mặn được biết vào từng thời điểm cụ thể, từ đó có giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời. Đặc biệt, nhiệm vụ cấp bách trong lúc này tại những vùng bị xâm nhập mặn với nồng độ cao, nhất là trên địa bàn huyện Long Mỹ thì cần đẩy mạnh công tác khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trong nước trước khi sử dụng vào sản xuất nông nghiệp để không bị thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi do nước mặn gây ra.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục vận hành có hiệu quả, kịp thời những công trình thủy lợi ngăn mặn, đảm bảo nước mặn không xâm nhập vào nội đồng; đồng thời ngành thủy lợi tỉnh cần phối hợp với nhiều đơn vị vận hành công trình thủy lợi ở các tỉnh trong vùng, nhất là tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang để có giải pháp tháo nước mặn khi thủy triều rút để người dân lấy nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đổ về thông qua các sông, kênh trên địa bàn tỉnh.

Đối với các vùng chưa bị nước mặn xâm nhập, vận động bà con cần điều tiết và sử dụng nguồn nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm để đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản; riêng các vùng đang bị ảnh hưởng nặng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thì nông dân nên xuống giống lúa Hè thu khi mùa mưa bắt đầu.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con gieo sạ vụ lúa Hè thu 2024 theo lịch xuống giống của ngành nông nghiệp đã đưa ra; trong đó, đợt 1 từ ngày 26/3 - 1/4/2024, đợt 2 từ ngày 24 - 30/4/2024; đồng thời gắn với việc nạo vét kênh, mương nhằm trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Theo kế hoạch thì vụ Hè thu năm nay, tỉnh Hậu Giang dự kiến xuống giống 73.800ha; đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 60.000ha. Với sự chủ động thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp công trình và phi công trình trong phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, Hậu Giang cố gắng không để bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của người dân.

Xin cảm ơn ông !

H.THU - H.PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>