Chú trọng chất lượng trong đào tạo nghề lao động nông thôn

07/11/2023 | 08:46 GMT+7

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Vị Thủy quan tâm thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động có nhiều cơ hội tìm việc phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập, qua đó giảm nghèo bền vững.

Trang bị kiến thức, kỹ năng nghề

Bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Trong các giải pháp giảm nghèo thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề, giúp người dân có được việc làm, nguồn thu nhập ổn định”.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về việc làm, rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp.

Sau thời gian tham gia lớp nghề điện lạnh, được sự hướng dẫn của giáo viên, anh Dương Văn Ngoãn, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đã nắm được kiến thức và các kỹ thuật của hàn điện cơ bản. Anh Ngoãn dự định, sau khi hoàn thành khóa học, có nghề trong tay, anh sẽ xin vào làm tại một số công ty, hoặc xưởng cơ khí. Anh Ngoãn chia sẻ: “Lúc trước, tôi chỉ ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, khi biết địa phương mở lớp dạy nghề hàn điện, vốn đam mê cơ khí nên tôi đã đăng ký tham gia. Tôi hy vọng, nghề này sẽ giúp tôi có việc làm ổn định, để lo cho gia đình”.

Tham gia lớp đào tạo nghề, học viên được học lý thuyết và thực hành. Các lớp nghề được đào tạo như hàn điện, may công nghiệp, đan đát, trang điểm, làm móng, làm tóc, kỹ thuật pha chế thức uống không cồn… Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thanh Tú (thành phố Vị Thanh), từ đầu năm đến nay, công ty phối hợp mở 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Vị Thủy, với các nghề như làm tóc, làm móng, trang điểm, những nghề phù hợp với xu thế hiện nay. Trong thời gian dưới 3 tháng, các học viên sẽ được giới thiệu, hướng dẫn các kỹ năng cắt móng, sơn và vẽ móng, cắt tóc, tạo mẫu tóc, nhận dạng, che khuyết điểm trên khuôn mặt, kỹ thuật trang điểm các kiểu. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được công ty giới thiệu việc làm, hoặc mở tiệm tại nhà.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Vị Thủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, giải thích, phân tích để hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu được quyền lợi khi tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nếu người dân hiểu đúng về công tác này sẽ chủ động tham gia học nghề. Khi hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng nghề sẽ có việc làm, thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững”.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có tầm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Từ đầu năm đến nay, huyện Vị Thủy đã mở 31 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp nghề được mở dựa trên nhu cầu của người dân và xã hội. “Chúng tôi chỉ mở các lớp nghề khi xác định được cơ hội việc làm hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm. Thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn được trang bị kiến thức, từ đó áp dụng vào thực tiễn đời sống để tăng năng suất lao động hoặc có được việc làm, có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, nhiều hộ từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình dần khấm khá. Nếu như đầu năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 1.880 hộ, thì đến cuối năm giảm còn 1.333 hộ”, bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, nhấn mạnh. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xu hướng học nghề của người dân, mở các lớp đào tạo nghề sát với thực tế, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương…

Từ đầu năm đến nay, huyện Vị Thủy đã mở 31 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 là 41%, năm 2021 là 44,49%, năm 2022 là 60% lao động.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích