Thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Còn những vướng mắc

25/05/2016 | 08:14 GMT+7

Sau gần 3 năm triển khai, thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) và một số văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Qua tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 23.159 vụ việc vi phạm hành chính bị phát hiện, cơ quan quản lý nhà nước đã ra 23.469 quyết định xử phạt.

Thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm bị xử phạt xảy ra liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, phổ biến như trong kinh doanh, trong lĩnh vực giao thông đường bộ; xây dựng nhà trái phép, chiếm dụng diện tích đất sử dụng chung; trong an toàn thực phẩm; trốn thuế…

Mặc dù phạm vi xử lý vi phạm hành chính rất rộng, nhưng trong một số lĩnh vực, các quy định hiện nay lại bó buộc và hạn chế, khiến việc áp dụng vào thực tế thời gian qua gặp một số vướng mắc.

Đơn cử như trong lĩnh vực kinh tế, theo quy định tại khoản 3, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài, nhưng tối đa không quá 48 giờ. Thực tế hiện nay, đối với những trường hợp vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu với số lượng lớn như mỹ phẩm, rượu, thuốc lá... thì rất khó xác định giá trị và phải tiến hành thành lập hội đồng thẩm định. Trong khi đó, việc thành lập hội đồng thẩm định và các thủ tục phải mất nhiều thời gian, từ đó gây khó khăn cho quá trình xác định giá trị tang vật để tiến hành xử phạt. 

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “Để có thể thành lập hội đồng thẩm định giá cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành và phải tiến hành triệu tập các thành viên. Theo quy định của luật hiện hành, thời gian tiến hành khá ngắn, nhưng lại quá nhiều công việc, khiến quá trình xử lý trong thực tế gặp không ít trở ngại”. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở đối với một hành vi vi phạm của cá nhân cao nhất là 20 triệu đồng và tổ chức là 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đối chiếu với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở giao thông vận tải là 20 triệu đồng (cả tổ chức và cá nhân), không phù hợp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều này dẫn đến tình trạng một số hành vi liên đới trong xử phạt tổ chức có mức phạt vượt thẩm quyền của chánh thanh tra sở giao thông vận tải phải trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt, kéo dài thời gian xử lý hành vi vi phạm.

Một bất cập nữa là việc quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: “Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm”, điều này dẫn đến nhiều điểm không phù hợp. Theo báo cáo của UBND thành phố Vị Thanh, các trường hợp vi phạm tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực hành chính tư pháp như khai sinh, khai tử, kết hôn… khi phát hiện hành vi vi phạm, nếu cách tính thời hiệu như trên thì đa số sẽ hết thời hiệu để xử phạt. Từ đó, không đảm bảo được tính răn đe trong các quy định của pháp luật.

Một cán bộ phòng tư pháp huyện cho rằng, nhiều quy định của luật và các văn bản chồng chéo khiến cho quá trình áp dụng tại địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, do các quy định trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính rất rộng nên phát sinh tình trạng này là điều không tránh khỏi. Đơn vị đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở Tư pháp, từ đó có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại cho phù hợp. 

Việc có nhiều bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật sẽ gây khó khăn cho chính các cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, từ đó dẫn đến không thể xử lý, răn đe được hành vi vi phạm. Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời, đúng người, đúng hành vi, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực và yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>