Hằng sản tìm lại thời hoàng kim

06/02/2016 | 05:28 GMT+7

Không biết tự bao giờ khi nhắc đến cây khóm Cầu Đúc, người ta nghĩ ngay đến địa danh Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Qua bao thăng trầm, khóm Cầu Đúc bị teo tóp vì đất bạc màu, lại đối diện với dịch bệnh. Cứ ngỡ khóm Cầu Đúc vang danh một thời đã đi vào quá khứ. Thế nhưng, khi được đánh thức bằng con đường tạo lập thương hiệu, cây khóm Cầu Đúc dần hồi sinh và đang trở lại thời vàng son.

Những ngày này, về vùng trồng khóm Cầu Đúc, chúng tôi dường như cảm nhận được không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Được mệnh danh là xứ sở của khóm Cầu Đúc, có thể thấy khóm hiện diện ở mọi nơi từ dưới rẫy cho đến vệ đường... Những đống khóm mới thu hoạch đang chờ chở đi tiêu thụ, nằm đầy ắp hai bên đường. Người người tất bật làm cỏ, xử lý ra hoa cho vụ khóm mới. Hỏi đường đến nhà ông Vu Suổi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Thắng, một người dân ở xã Hỏa Tiến hướng dẫn: “Cô cứ chạy cặp theo bờ kênh, đi chừng 3km thì gặp ngôi nhà có 2 chiếc xe tải, đó là nhà của ông Vu Suổi, dễ tìm lắm, vì ở đây chỉ có nhà ổng mới có”.

Xử lý khóm nghịch vụ cho cuộc sống người dân đỡ khó khăn hơn.

Gặp ông ngay thời điểm đang đẩy ghe khóm từ mương ra phía đầu kênh để vận chuyển lên xe tải. Vừa thấy tôi, ông bảo: “Nhà báo đợi tôi một chút”. Rồi ông thay vội chiếc áo, mời tôi ngồi vào bàn để nhâm nhi ly trà nóng. Hớp nhanh một ngụm trà, sắc mặt tươi rói, chỉ tay về hướng chiếc xuồng đang chất khóm đầy ắp, ông cười nói: “Tết này bà con ngon ăn, giá khóm đang bán ra hơn 6.000 đồng/kg. Cứ mỗi công, thu nhập mấy chục triệu đồng, cao gấp mấy lần so với trồng lúa. Mà chỉ có khóm ở đây mới có giá cao như vầy. Chứ cũng giống khóm này, nhưng ở miệt như Kiên Giang thì rất chua. Có lẽ do đất Hỏa Tiến vừa nhiễm mặn, nhiễm phèn, hợp với giống khóm này, nên nó có vị ngọt thanh đặc trưng hơn nơi khác. Năm nay, chắc nhà nông ở đây ăn tết lớn”.

Nhờ sản xuất theo VietGAP, người nông dân khắc phục những nhược điểm trong quá trình thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng quả khi thu hoạch.

Theo ông Vu Suổi, từ nhỏ ông đã nghe cây khóm được trồng ở vùng đất này lâu lắm rồi. Hồi đó, vùng này nức tiếng khóm Cầu Đúc, không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa, mà còn xuất ngoại sang tận Nga và Đông Âu. Ông kể: “Thời đó đường sá không thuận lợi như bây giờ, nhưng đến mùa khóm, thuyền máy các loại nườm nượp từ Sài Gòn về mua, sôi động cả một vùng. Cuộc sống người dân trồng khóm sung túc thấy rõ. Thế nhưng, sau những năm 90, cây khóm bị “thất sủng”. Những năm liên tiếp sau đó, cây khóm bị dịch bệnh. Thế là diện tích khóm ngày một “teo dần”. Không giấu nổi ngậm ngùi khi nghĩ lại từng gốc khóm một thời thấm đẫm mồ hôi của những người dân bị chặt bỏ, dần dần biến mất ngay trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, thay bằng các loại cây khác. Để mưu sinh, ông cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, tình yêu với cây khóm thì không thể dứt được trong ông.

Sau mấy năm chuyển đổi, ông Suổi thấy rằng đất ở đây nhiễm mặn, phèn nên chỉ trồng được 3 loại cây là khóm, tràm và mía. Nhưng mía thì giá bấp bênh. Cây tràm thì trồng cả chục năm mới thu hoạch mà giá chẳng được là bao. Còn khóm dễ trồng, đầu tư tiền, công ít nhưng cho ăn bền, mà lại phù hợp với vùng đất này. Rồi đến khi cán bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn, ông quyết định đầu tư trồng lại khóm. Sau đó, ông thành lập HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng với suy nghĩ liên kết lại để dễ dàng sản xuất, cùng nhau áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tìm đầu ra sản phẩm. Rồi tin vui đến với HTX Thạnh Thắng khi HTX được hỗ trợ một phần diện tích để sản xuất khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình nhằm giúp người dân sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Rồi từ siêu thị, chợ đầu mối đến cả các doanh nghiệp chế biến có mặt ngày càng nhiều hơn. Theo ông Vu Suổi, sản xuất theo quy trình VietGAP rất cực, vì phải tuân theo nhiều tiêu chí như bón phân theo định mức, phải có nhật ký ghi chép, có nhà vệ sinh, nhà kho... và đầu tư rất tốn kém. Có tới cả trăm yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất và yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng theo quy trình VietGAP. Nhưng nhờ sản xuất theo VietGAP, người nông dân đã thay đổi thói quen canh tác, khắc phục những nhược điểm trong quá trình thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng quả khi thu hoạch.

Giờ đây, khóm trở thành cây trồng chủ lực của xã Hỏa Tiến.

Mấy năm trở lại đây, năm nào lợi nhuận của bà con cũng khá hơn. Bây giờ, người dân xử lý khóm ra trái được cả trong mùa nghịch. Đây là điều lý tưởng đảm bảo hoạt động cho các nhà máy. Hồi xưa, người trồng khóm trồng một lần cả chục năm sau mới cải tạo đất trồng lại. Bây giờ khoa học tiên tiến rồi, bà con chỉ sản xuất theo kiểu “3 xắn”, nghĩa là chỉ ăn khoảng 3-4 mùa là phá rồi trồng khóm mới. Ấy vậy mà hay, bây giờ năng suất khóm Cầu Đúc có thể đạt đến mức 20 tấn/ha. Nói về chuyện làm ăn của HTX, ông Suổi nhẩm tính: “Ở đây lễ, tết gì cũng trông cậy vào cây khóm, được cái xử lý nghịch vụ mà cuộc sống dân xứ này đỡ lắm. Nhờ ai cũng có mấy chục năm kinh nghiệm, nên hễ tới đám tiệc gì của gia đình, thì cứ lên lịch trong năm, rồi tiến hành xử lý là đợi thu hoạch. Mỗi hộ có cả mấy héc-ta khóm nên lợi nhuận cũng kha khá. Riêng tôi, với 3,6ha khóm, năm nay gia đình tôi rinh về 400 triệu đồng khỏe re! Nếu như với cái đà này, bà con mình giàu là cái chắc”.

Khóm được xem là một trong 10 nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang.

Câu chuyện giữa tôi và ông đột nhiên ngắt ngang bởi một cuộc điện thoại. Dường như ông đang trao đổi với xã viên về một ý tưởng gì đó cho cây khóm. Để trả lời cho ánh mắt tò mò của tôi, ông Suổi quay sang bảo: “Cũng giống như nhiều loại nông sản có tính hàng hóa cao khác, trái khóm cũng chịu những cơn “ba đào” của thị trường. Mối liên kết giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo, thị trường vẫn rất “tự do”, không có gì bảo đảm chắc chắn cho hàng hóa của người nông dân trồng khóm làm ra. Vì thế, năm tới đây, anh em tụi tôi tính là sẽ “tậu” luôn cái máy nghiền phụ phẩm khóm để làm phân hữu cơ bón lại cho cây. Khóm Cầu Đúc tuy đã có thương hiệu lâu đời, nhưng về lâu dài, không chỉ có liên kết trong khâu sản xuất, đảm bảo đúng quy trình, mà còn giảm được chi phí nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, có như thế mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.

Người dân thu hoạch trên rẫy khóm bạt ngàn tại xã Hỏa Tiến.

Chia tay HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng vào lúc trời cũng đã xế chiều. Trời hoàng hôn, những tia nắng đang yếu ớt dần. Những cơn gió bấc thổi mạnh, khiến tôi dâng trào một cảm xúc khó tả. Tôi chợt nghĩ, với định hướng và những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng nền sản xuất hiện đại gắn với mở hướng du lịch cho vùng khóm và bao dự định của HTX, hy vọng cây khóm sẽ tiếp tục có vị trí vững chắc hơn, vị ngọt trái khóm sẽ góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo một vùng quê vốn dĩ là vùng đất phèn mặn.

Ông Nguyễn Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Khóm được xem là một trong 10 nông sản chủ lực của tỉnh. Vì thế thời gian qua, địa phương đã tích cực hỗ trợ cho người dân trong việc tạo lập thương hiệu cho nông sản khóm Cầu Đúc. Từ chuyện bắt tay khôi phục cây, con giống; rà soát lập quy trình sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao cho đến việc thành lập vùng nguyên liệu, tìm doanh nghiệp chế biến. Cái được là vậy, song từ việc xác định đúng hướng, để phát triển cây khóm, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho công tác giống, quy trình canh tác, thì cần phải gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hiện tại, tỉnh đã tiến hành kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến nhằm tiêu thụ các sản phẩm từ cây khóm, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ chuyển giao cho đến tiêu thụ. Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã tiến hành lập dự án quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc này. Quy chung lại, mục tiêu của chúng ta là làm sao vừa nâng cao giá trị cây khóm Cầu Đúc, vừa góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân”.

THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>