Mong được truyền nghề

09/11/2018 | 11:12 GMT+7

Nghệ nhân Lê Hoàng Nam (ảnh), ở phường IV, thành phố Vị Thanh, tạo cảm giác gần gũi cho người lần đầu biết anh. Anh ít nói, nhưng sự chân tình và niềm say mê tài tử vô điều kiện khiến người đối diện hứng thú khi nghe câu chuyện anh kể về cả đời theo nghiệp đờn của mình...

Đam mê lúc cầm chưa nổi cây đờn

Anh quê ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, nơi có rất nhiều người chơi tài tử, nên từ 9 tuổi, anh đã đi theo các cô chú sinh hoạt tài tử gần nhà mình. Rồi anh được gia đình ủng hộ niềm đam mê, cho đi học đờn ghi-ta phím lõm. Anh nhớ lại: “Mình cũng nhỏ con, mà cây đờn quá lớn, nên lúc đầu cũng vất vả mới làm chủ được nó. Ngoài giờ học là cứ ôm miết cây đờn để luyện ngón. Thói quen ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ, đã giúp cho tôi rèn và giữ được độ bén của ngón đờn”. May mắn của anh là được học thầy đờn giỏi nghề. Rồi anh tự học thêm qua sách, qua các chương trình dạy tài tử trên truyền hình để rèn cho ngón đờn ngày một hay, thấm vào lòng người.

Đờn sỏi, anh tham gia vào đội văn nghệ của xã Vị Thủy, đi biểu diễn phục vụ bà con những năm sau giải phóng. Anh cũng tranh thủ giờ rảnh học kế toán để làm cái nghề nuôi gia đình sau này. Rồi cũng trong những chuyến đi đờn, anh gặp chị Phạm Tuyết Loan, người cùng quê, rất đam mê văn nghệ. Hai người gắn bó với nhau, 3 người con lần lượt ra đời làm cho gánh nặng kinh tế càng chất lên đôi vai anh. Năm 1994, cả gia đình quyết định về Vị Thanh, mới đầu là mở quầy nhỏ bán nước, thức ăn ở bến tàu Vị Thanh. Sau một thời gian, mua đất ở khu vực 3, phường IV và dời về mở quán tại nhà. Anh kể, đây là thời gian hai vợ chồng anh tập trung toàn lực để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Niềm đam mê tài tử cũng gác lại vì cơm, áo, gạo, tiền. Hạnh phúc với anh lúc này là được chăm chút cho các con ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định. Đáp lại kỳ vọng đó, 3 người con của anh đều tốt nghiệp đại học và sau đại học, có việc làm nhiều người mơ ước. Anh cười mãn nguyện: “Vậy thôi cũng đủ cho công sức của vợ chồng tôi rồi”…

Muốn được thắp lửa

Anh chia sẻ, khi cuộc sống bớt khó khăn, các con đã lớn, anh bắt đầu trở lại với niềm đam mê của mình. Điều lạ là anh rất ít xuất hiện trong các hội thi, hội diễn, nhưng mấy chục năm nay, vẫn miệt mài rèn luyện ngón đờn bằng tất cả niềm say mê. Anh tìm và tập hợp những người có cùng sở thích, mỗi tháng cùng sinh hoạt, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về cách đờn, cách ca tài tử.

Riết thành quen và CLB đờn ca tài tử mang tên anh ra đời, thấm thoát đến nay đã hơn 10 năm. Từ đó, những nghệ nhân tài tử có nơi để hội ngộ, những người yêu thích tài tử muốn học, anh cùng những người trong câu lạc bộ sẵn sàng truyền nghề… Anh nói, anh thích làm việc thầm lặng, gặp gỡ những người tri âm, tri kỷ, chứ không thích không khí rộn ràng của các cuộc thi. Có lẽ vì thế mà hơn 10 năm nay, nhà anh trở thành điểm đến của những nghệ nhân tài tử ở khắp nơi.

Tuổi ngày một lớn, anh càng khao khát được truyền nghề nhiều hơn. Anh ít đi giao lưu, chỉ muốn chú tâm ở nhà để truyền dạy cho những ai yêu thích tài tử… Giờ, mỗi tháng, CLB của anh sinh hoạt một lần. Còn mỗi tối thứ bảy hàng tuần là khoảng thời gian anh dành để dạy ca tài tử. “Thời gian tới, sắp xếp được, tôi cùng mấy người bạn trong câu lạc bộ sẽ nhận dạy thêm đờn”. Ước muốn duy nhất của việc dạy này là tìm thêm bạn tri âm để cùng góp phần lan tỏa nét độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>