Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

26/07/2016 | 08:19 GMT+7

Nhiều thương binh ở thành phố Vị Thanh khi trở về với cuộc sống thường nhật, đã mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Sáu là người tiên phong ở ấp Thạnh Trung, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Hơn 50 năm trước, khi tuổi đời mới đôi mươi, chàng trai tên Lê Hồng Quang đã hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Nhớ lại những năm tháng chiến đấu khi xưa, ông thấy đó là quãng đời đẹp nhất của mình, khi được sống trong những năm tháng hào hùng và oanh liệt, cống hiến quên cả thân mình. Ông trở thành du kích, rồi chuyển sang lái xe vận tải vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm ra chiến trường. Những đêm lái xe dưới làn bom đạn của địch đã tôi luyện cho người lính trẻ sự dày dạn, kiên gan và bền chí. Khi đất nước thống nhất, ông lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống nghèo đói, chống giặc dốt, để nuôi dạy con cái thành tài, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Sau ngày đó, ông về ở khu vực 2, phường I. Với nghị lực vượt khó, tinh thần cầu tiến, hăng say lao động, nên cuộc sống của gia đình ông ngày một đổi thay. Ông Quang cho biết: “Lúc trước cuộc sống vất vả lắm, nhà nào cũng phải chạy ăn từng bữa chứ đâu chỉ riêng mình. Thời điểm đó, được cái mình có tinh thần vững vàng của người lính. Sau khi về quê, ngoài công tác ở địa phương, tôi cũng ráng tìm mô hình làm ăn phù hợp, chỉ mong cho vợ con có cuộc sống no ấm hơn”.

Thấy việc ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa ai làm, nên năm 2008 ông Quang đã vận động mọi người cùng góp vốn thành lập Hợp tác xã Phúc Anh ở khu vực 2, chuyên ươm cây giống cung cấp cho thị trường. “Lúc đầu, việc ươm cây giống cũng gặp nhiều khó khăn, số lượng cây ươm thành công rất ít. Thấy vậy, tôi tích cực nghiên cứu kiến thức từ sách báo, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu khoa học kỹ thuật từ những cán bộ bên ngành nông nghiệp, nên việc ươm cây giống từng bước được cải thiện và bắt đầu mang lại hiệu quả”.

Hiện nay, mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 cây giống. Từ đây, cuộc sống của các xã viên, trong đó có gia đình ông, được nâng lên rõ rệt. Đây chính là trái ngọt của người thương binh trên mặt trận mới này. Ông bảo, sau bao nhiêu vất vả, điều mừng nhất của ông là cả hai người con của ông đều có nghề nghiệp ổn định, sống chan hòa, nghĩa tình với hàng xóm, láng giềng.

Những năm tháng chiến đấu quên mình ngoài chiến trường, không nghĩ mình còn sống để trở về, nên được sống trong hòa bình, người thương binh nào cũng cố gắng vươn lên, dù sức khỏe thời thanh xuân gần như đã cống hiến trọn vẹn cho ngày độc lập. Cũng thành công với mô hình làm ăn hiệu quả, ông Võ Văn Sáu, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thương binh 4/4 lại được mọi người biết đến bởi mô hình nuôi cá và làm vườn cho hiệu quả kinh tế cao. 17 tuổi, ông Sáu cũng bắt đầu học cầm súng đi đánh giặc, mấy mươi năm miệt mài chiến đấu, đến khi đất nước hòa bình, ông trở về quê nhà. Cuộc sống lúc đó hết sức khó khăn, nhưng không trông chờ vào sự chăm lo của Nhà nước, với ý chí của người lính kiên trung, ông gắng sức làm ăn. Khi ở địa phương mọi người vẫn còn chuyên canh một loại cây trồng, vật nuôi, thì ông Sáu đã mạnh dạn chuyển đổi. Ông Sáu kể lại, những năm đầu trở lại quê nhà, với 2 công ruộng, ông trồng lúa nhưng thất bát kiếm không đủ gạo ăn. Ông chuyển sang trồng mía, chăn nuôi heo, rồi lại đi làm thuê làm mướn. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, gia đình ông đã có tích lũy được một số vốn kha khá, nên mua thêm 8 công đất ruộng. Sau khi nghiên cứu, thấy mô hình nuôi cá có thể mang lại thu nhập cao hơn, nên năm 2011, ông quyết định đào 2 cái ao với diện tích mặt nước khoảng 7.000m2 để nuôi cá rô đầu vuông.

Nhờ sự đón đầu, chỉ một vài vụ cá đầu, ông gần như lấy được vốn đầu tư. Ông Sáu cho biết: “Mấy vụ nuôi đầu tiên cũng cho lợi nhuận khá lắm. Sau đó, cá rô mất giá, thế là tôi chuyển sang ươm cá tra giống. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cung ứng cho thị trường khoảng 40-50 tấn cá, lợi nhuận mang lại cũng kha khá”. Không chỉ nuôi cá, mà ông Sáu còn làm đủ chuyện khác để kiếm thêm thu nhập, từ trồng khóm, quýt đường, bán bánh xèo... tính ra tổng thu nhập của gia đình khoảng 150 triệu đồng/năm. Cống hiến hết mình khi đất nước cần và khi hòa bình ông không chỉ chăm lo cho cuộc sống riêng của gia đình mình, mà luôn tích cực trong các hoạt động từ thiện. Hiện nay, ông Sáu đang tham gia công tác chữ thập đỏ ở địa phương, mỗi khi có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, ông đều nhiệt tình đóng góp và tích cực vận động mọi người.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ông Quang và ông Sáu là hai trong số nhiều thương binh tiêu biểu cho sự nỗ lực vươn lên ở thành phố Vị Thanh. Không chỉ riêng ông Quang và ông Sáu, những thương binh ở thành phố đều có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế và tích cực thực hiện các phong trào ở địa phương, chúng tôi đều biết ơn và trân trọng những đóng góp của các cô, chú”.

Thành phố Vị Thanh hiện có 971 gia đình chính sách hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 1,1 tỉ đồng. Trong đó, có 17 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 238 thương binh, 234 gia đình liệt sĩ, 203 người có công với cách mạng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>