Chuyện lạ: Bệnh viện phải đi... mượn máu truyền cho bệnh nhân

07/11/2023 | 08:32 GMT+7

Cùng thực trạng thiếu máu đáp ứng điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, các cơ sở y tế tại Hậu Giang dù rất khó khăn vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn máu phục vụ cấp cứu, bảo vệ an toàn người bệnh.

Khoa Nội tiết - Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang rất khó khăn để đảm bảo máu truyền cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Được phân bổ nhỏ giọt

Máu được phân bổ nhỏ giọt là tình hình chung được ghi nhận ở các bệnh viện của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh nên nhu cầu sử dụng máu truyền nhiều hơn các bệnh viện, trung tâm y tế khác trên địa bàn. Những tháng gần đây, bệnh viện rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn máu dự trữ. Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thông tin: “Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ đã nhiều lần gửi công văn cho bệnh viện, từ cuối tháng 8 có công văn thông báo ngừng đi giao máu, chế phẩm máu và chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu. Hiện tại việc cung cấp máu cho bệnh viện rất hạn chế. Tính đến ngày 2-11, bệnh viện chỉ còn dự trữ 11 túi máu O, 3 túi máu B, 2 túi máu A, 2 túi máu AB. Mỗi loại máu chỉ 2-3 bọc chỉ dùng để “chữa cháy”, lo nhất nếu có bệnh mất máu cấp, cần truyền máu nhiều sẽ không đáp ứng đủ”.

Khi có trường hợp bệnh nhân cần truyền máu cấp và số lượng nhiều, bệnh viện không đủ số lượng túi máu để truyền, buộc phải vừa điều trị vừa chạy lên Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ để nhận thêm. “Tình trạng này gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả cấp cứu, điều trị bệnh. Đối với bệnh nhân thiếu máu mãn, phải chuyển viện do không có máu truyền. Một số trường hợp phẫu thuật nếu không đủ máu truyền, dù là những ca phẫu thuật thường quy, chẳng hạn những bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, chảy máu ồ ạt, đều chuyển “tốc hành” đi không thể can thiệp gì, các bệnh lý về máu hiện nay hầu như sẽ chuyển hết, còn trước đây có máu truyền, bệnh viện sẽ truyền máu, xử lý ổn mới chuyển đi”, ông Phước thông tin thêm.

Trên 100 bệnh nhân thận nhân tạo đang lọc thận tại bệnh viện nhiều tháng nay chưa đảm bảo được nhu cầu truyền máu kịp thời. Bác sĩ Trang Ngọc Ngoán, Trưởng khoa Nội tiết - Nội thận, cho biết: “Trước đây, đủ lượng máu cung cấp, trong quá trình khám nếu có chỉ định truyền máu, bệnh nhân sẽ nhập viện và truyền ngay. Hiện nay, do khó khăn thiếu máu, sau khi chỉ định lập nhu cầu và xin cung cấp, bệnh nhân phải chờ đợi, có khi nhu cầu 5 mà chỉ được cấp 3 túi máu. Chúng tôi phải đánh giá tình hình sức khỏe người bệnh và ưu tiên người trước, người sau, tiêm thuốc tạo máu cho bệnh nhân. Dù khó khăn nhưng để bảo vệ an toàn người bệnh chúng tôi nỗ lực điều tiết để bệnh nhân nào cũng được truyền máu khi có chỉ định, chỉ sớm hay muộn”.

Bệnh viện đi... mượn máu

Trước đây, khi không xảy ra tình trạng thiếu máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn nhận máu và dự trữ cung ứng cho các trung tâm y tế tuyến huyện, nhưng nay Ban Giám đốc Bệnh viện cho hay đã không cung nổi, khi ngay tại bệnh viện cũng thiếu.

Vừa áp lực điều trị, cấp cứu bệnh nhân, các cơ sở y tế vừa phải chạy vạy tìm nguồn máu. Ông Nguyễn Quốc Thống, Phó khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Bệnh viện ký hợp đồng cung cấp máu với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ. Theo thông tin từ trên đó, do đấu thầu túi máu không kịp dẫn đến tình trạng thiếu máu chung. Trước đây dự trữ nhiều được, giờ khi nào cần cấp cứu mới lên nhận về, bệnh viện chỉ được dự trù 1 tuần 2-3 đơn vị máu mỗi loại. Đôi khi cần gấp chạy không kịp lên Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ phải chạy qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh mượn rồi mới lên Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ nhận về trả. Có đêm qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh mượn 2-3 lần”.

Trước vấn đề khan hiếm máu điều trị bệnh, có ý kiến thắc mắc: Tại sao không sử dụng ngân hàng máu sống? Vì hầu như các tỉnh, thành đều có những tình nguyện viên tham gia ngân hàng máu sống. Tuy nhiên, điều này không phải muốn là được. Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nói lý do: “Bộ Y tế quy định bệnh viện không được lấy máu truyền từ máu người nhà, ngân hàng máu sống. Trước đây mình lấy máu và xét nghiệm có thể truyền, nhưng sau này không được”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gửi văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh cho lấy máu từ ngân hàng máu sống, máu người nhà để truyền cho bệnh nhân nhưng không được chấp thuận. Ngân hàng máu sống mình rất nhiều và người nhà bệnh nhân thường sẽ sẵn sàng cho máu. Dù đây là giải pháp theo tôi có thể giải quyết khó khăn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thống, Phó khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ thêm: “Ngân hàng máu sống chỉ dành cho nhóm máu hiếm, các nhóm máu bình thường nếu lấy máu từ ngân hàng máu sống buộc phải xét nghiệm. Việc sử dụng máu đã qua xét nghiệm ở Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ truyền sẽ an toàn hơn lấy máu từ ngân hàng máu sống”.

Các cơ sở y tế nỗ lực xoay xở, chia sẻ giữa các đơn vị với nhau để đảm bảo an toàn người bệnh, nhưng đều mong tình trạng này sớm được giải quyết nhằm điều trị tốt nhất cho người bệnh, để không còn cảnh cần phải chạy vạy đi xin, đi mượn.

Người dân Hậu Giang rất nhiệt tình hiến máu, nhưng khó đạt chỉ tiêu vận động hiến máu năm nay

Theo thông tin từ ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến nay, tỉnh vận động hiến máu được 4.570 đơn vị máu, trong khi chỉ tiêu cả năm được giao là 11.000. Nguyên nhân kết quả đạt thấp là do Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ không có túi máu để tổ chức vận động hiến máu, tiếp nhận máu. Kể từ tháng 6 đến nay không tổ chức đợt vận động hiến máu nào.

Với số lượng tiếp nhận máu hiện tại đã đáp ứng nhu cầu truyền máu của tỉnh năm 2023 là gần 4.000 đơn vị máu. Ông Nghề đã đề nghị Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ sớm đấu thầu túi máu để tổ chức hoạt động tiếp nhận máu trở lại. Đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét giảm chỉ tiêu vận động hiến máu của tỉnh năm 2023. Đề nghị Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện có chỉ đạo đẩy nhanh đấu thầu túi máu ở Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ.

Những năm trước, hàng năm tỉnh luôn vận động hiến máu vượt chỉ tiêu được giao, trung bình tiếp nhận từ 12.000-13.000 đơn vị máu.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>