Xây dựng cơ sở tiến tới Chính phủ điện tử

06/10/2014 | 08:12 GMT+7

Nhằm nắm bắt kịp thời công tác triển khai, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm từ những hạn chế, khó khăn để thực hiện đến năm 2015 đạt được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là xây dựng cơ sở tiến tới Chính phủ điện tử; vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát công tác này ở một số địa phương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Ca (ảnh), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

 

Xin ông đánh giá kết quả đạt được từ năm 2011 đến nay so với mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch số 07 ngày 14/3/2011 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 ?

 

- Chính sách ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của cơ quan nhà nước là một chính sách đúng đắn nhằm thực hiện có hiệu quả việc tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân trong các hoạt động hành chính, công vụ. Do đó, ngay sau khi có chủ trương từ Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2015. Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát tại UBND thị xã Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, Sở Xây dựng và Sở Thông tin và Truyền thông. Qua giám sát cho thấy, từ năm 2011 đến nay, việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ văn bản trao đổi dưới dạng điện tử đạt gần 60%, tỷ lệ các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử đạt xấp xỉ 80%, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hiệu quả thư điện tử trong công vụ đạt trên 80%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng được một số phần mềm dịch vụ hành chính công trực tuyến đạt mức độ 3 như: Đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề y dược, đăng ký đề tài khoa học công nghệ và 2.768 dịch vụ đạt mức độ 2. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được tỉnh rất quan tâm đầu tư. So với Kế hoạch số 07 của UBND tỉnh, tỷ lệ trang bị máy tính trung bình/cán bộ, công chức cấp tỉnh đã xấp xỉ đạt so với chỉ tiêu đề ra, đăc biệt cấp huyện và xã đã đạt và vượt so với kế hoạch. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã kết nối mạng LAN đạt 100%. Từ đó, cho thấy chính quyền các cấp rất quan tâm và nỗ lực thực hiện việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ.

 

Thưa ông, đâu là những vướng mắc mà các đơn vị gặp phải trong quá trình tổ chức, thực hiện Kế hoạch số 07 ?

 

- Theo nhìn nhận của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm này, mặc dù thực hiện đạt được khá nhiều chỉ tiêu quan trọng nhưng so với các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Kế hoạch 07 đề ra thì tỉnh chỉ mới đạt khoảng 60%. Qua giám sát tại một số đơn vị, Đoàn nhận thấy sự hạn hẹp về nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng; các chính sách khuyến khích, ưu đãi cũng chưa được quan tâm thực hiện để thu hút người có trình độ CNTT làm việc cho cơ quan nhà nước; một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn thói quen làm việc trên văn bản giấy và phần lớn người dân chưa biết, chưa thông thạo với việc giao dịch hành chính trên môi trường mạng;… là những trở lực lớn cho tỉnh trong thực hiện chính sách ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân.  

 

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện, thời gian tới cần có những giải pháp gì để đến năm 2015 thực hiện đạt các nhiệm vụ, mục tiêu theo Kế hoạch 07 đề ra, trong đó có việc cung cấp dịch vụ công ?

 

- Qua giám sát cho thấy, để cuối năm 2015 thực hiện đạt được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là xây dựng cơ sở tiến tới Chính phủ điện tử, nhằm giảm tối đa chi phí, thời gian và tạo mọi thuận tiện cho nhân dân trong giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước, tỉnh cần đề ra một số giải pháp cụ thể, thứ nhất về văn bản pháp lý: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT để làm nền tảng trong công tác quản lý nhà nước. Đưa việc ứng dụng CNTT vào nghị quyết Đảng bộ tỉnh và trong công tác thi đua - khen thưởng hàng năm. Thứ hai về tài chính: Tranh thủ nguồn kinh phí từ các dự án, từ Trung ương và bố trí ngân sách tỉnh đạt từ 1% đến 2% tổng chi đầu tư phát triển cho sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT. Thứ ba về nguồn nhân lực: Có chính sách thỏa đáng để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút người có trình độ CNTT phục vụ trong cơ quan nhà nước. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên đề về CNTT cho các cán bộ, công chức kiêm nhiệm lĩnh vực CNTT. Thứ tư, về tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi: Quán triệt chủ trương ứng dụng CNTT trong cán bộ, công chức cơ quan, đặc biệt yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải nêu gương trong thực hiện chính sách này. Đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến dịch vụ công trực tuyến để nhân dân biết và dần thay đổi thói quen giao dịch hành chính trên môi trường điện tử.

  

Xin cảm ơn ông !

 

PHI YẾN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>