Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

03/11/2023 | 10:11 GMT+7

Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc thực hiện chưa đạt theo chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra là không ít, đồng thời còn vướng nhiều khó khăn nên các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đang quyết liệt đề ra các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm đã đề ra.  

Ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường phát triển diện tích rau màu trong những tháng cuối năm nhằm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực I theo kế hoạch đề ra.

Những thách thức không nhỏ

Một trong những mối quan ngại lớn hiện nay của lãnh đạo UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là tổng giá trị giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp, khi chỉ mới đạt 62,74% so với kế hoạch chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; riêng đối với phần của chủ đầu tư cấp tỉnh thì công tác giải ngân mới đạt 55%, còn cấp huyện thì đạt 70%. Trong khi, thời gian đến ngày 31-12, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh phải đạt 95% theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đồng thời đến ngày 31-1- 2024 phải đạt 97%. 

Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nhận định: Để đạt chỉ tiêu đề ra về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công như chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của các ngành liên quan và chủ đầu tư là rất nặng nề và cũng không dễ hoàn thành. Do đó, cần có sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa từ các ngành có liên quan, địa phương và chủ đầu tư.

Theo chia sẻ của một số địa phương trong tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn đạt thấp, nhất là tại các công trình trọng điểm và tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh là vì còn vướng khâu giải phóng mặt bằng do chưa bố trí được nền tái định cư để di dời người dân; đồng thời hộ dân bị ảnh hưởng dự án còn yêu cầu nâng giá bồi thường về đất.

Bên cạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến nay cũng chỉ được 4.684 tỉ đồng, đạt 75,94% dự toán Trung ương và đạt 71,86% dự toán HĐND tỉnh giao. Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2023 có tổng số vốn là 1.007 tỉ đồng, đến nay công tác giải ngân cũng chỉ đạt 65%; trong đó riêng nguồn vốn từ Trung ương mới giải ngân được 46%.

Ngoài ra, tình hình sản xuất và xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh, giày dép và bia tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm nên cần có giải pháp vực dậy vào những tháng cuối năm. Mặt khác, dự báo tình hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trong quý IV này sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả thị trường, diện tích lúa Thu đông giảm… Qua đây có thể làm ảnh hưởng và kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung của khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) vào cuối năm.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Nhiệm vụ 2 tháng còn lại của năm 2023 là rất nhiều và dự báo còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành tỉnh và lãnh đạo địa phương trong tỉnh cần quán triệt và chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình quyết tâm vượt khó để tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp

Trước tiên, đề xuất về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho rằng, ngoài việc nghiên cứu, áp dụng tốt các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của UBND tỉnh đã ban hành trong thời gian qua thì các chủ đầu tư có thể xem xét điều chỉnh nguồn vốn trong nội bộ, nhưng thời hạn cuối cùng để điều chỉnh là đến ngày 15-11 này, nếu quá ngày sẽ không được giải quyết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư và thường xuyên có báo cáo về Thường trực UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát các dự án chậm tiến độ trong khu công nghiệp; đồng thời đề xuất thu hồi dự án chậm tiến độ để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng. Ngoài ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cũng như UBND huyện Châu Thành và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1 (phần diện tích còn lại khoảng 46ha) để sớm bàn giao mặt bằng đợt 1 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan.

Cũng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thông tin: Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan của tỉnh và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm quốc gia và trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1; cũng như Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và các dự án công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Qua đây góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Riêng về giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành nông nghiệp, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Hiện đơn vị tập trung chỉ đạo và khuyến cáo người dân thu hoạch thắng lợi lúa Thu đông, đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho đợt xuống giống vụ lúa Đông xuân sắp tới. Ngoài ra, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh vận động người dân tăng thêm 2.000ha rau màu, hoa kiểng phục vụ tết và 2.000ha thủy sản mùa nước nổi. Qua rà soát sơ bộ thì việc thực hiện nhiệm vụ trên đảm bảo đạt theo kế hoạch đề ra và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực cho người dân. Mặt khác, đơn vị cũng đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn của sở tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là đảm bảo nguồn cung và yêu cầu về an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt tại Festival lúa gạo được tổ chức tại Hậu Giang sắp tới. Qua đây góp phần làm gia tăng nguồn thu nhập cho người dân vào dịp cuối năm.

Cùng với các ngành trên, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần chủ động xây dựng nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo; trong đó việc xây dựng nghị quyết phải trên tinh thần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân nhằm tạo điều kiện nguồn lực cần thiết để duy trì, bảo đảm chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>