Điểm tin sáng 5 – 5: Bộ Y tế nêu quan điểm cấm hẳn thuốc lá điện tử

05/05/2024 | 05:50 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: U23 Nhật Bản làm nên lịch sử ở đấu trường U23 châu Á; Dự báo máy điều hòa Đông Nam Á sẽ tăng lên 300 triệu chiếc; Hơn 50 người tử vong do sốc nhiệt trong tháng 4 ở Myanmar; Tòa án Nepal hạn chế cấp phép leo đỉnh Everest.

Bộ Y tế nêu quan điểm cấm hẳn thuốc lá điện tử

Trong khi Bộ Công Thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, Bộ Y tế cho rằng cần cấm nhập khẩu, mua bán mặt hàng này.

"Đây là trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thử, thí điểm? Mai sau không dừng lại được thì ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội tổ chức về trách nhiệm quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sáng 4/5.

Trước đó, trong Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá do Bộ Công thương chủ trì sửa đổi (đã được Bộ Tư pháp thẩm định), cơ quan này đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử nhằm siết chặt việc buôn bán trôi nổi các sản phẩm. Nghị định đang hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Khi trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm" và nhất quán từ trước đến nay. Thuốc lá điện tử, nung nóng là loại nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ. Việc này cũng phù hợp với nghị quyết của Đảng; căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và bài học kinh nghiệm quốc tế.

Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, sản phẩm thuốc lá mới gây nghiện do có chứa nicotine; các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

U23 Nhật Bản làm nên lịch sử ở đấu trường U23 châu Á

U23 Nhật Bản trở thành đội bóng giàu thành tích nhất ở sân chơi U23 châu Á sau khi giành chức vô địch trên đất Qatar.

U23 Nhật Bản thi đấu không thực sự tốt ở vòng bảng, nhưng từ vòng knock-out, đội bóng này đã lột xác ngoạn mục. Họ đánh bại Qatar, Iraq và cuối cùng là U23 Uzbekistan để vô địch U23 châu Á 2024.

Trong trận chung kết với U23 Uzbekistan, dù bị đối phương ép sân, liên tục bắn phá khung thành, nhưng U23 Nhật Bản vẫn cho thấy được sự lì lợm, bản lĩnh và biết cách kết liễu đối thủ ở phút bù giờ để thắng với tỉ số 1-0.

U23 Nhật Bản vô địch U23 châu Á 2024 kèm theo tấm vé dự Olympic 2024. U23 Nhật Bản trở thành đội bóng giàu thành tích nhất sân chơi U23 châu Á với 2 lần vô địch. Họ cũng là đội bóng sở hữu tỉ lệ 100% vô địch khi vào chung kết.

Trong khi đó, U23 Uzbekistan xứng đáng với danh hiệu vua về nhì. Đội bóng Trung Á có tới 3 lần vào chơi trận chung kết trong 4 kỳ U23 châu Á gần nhất, nhưng chỉ 1 lần vô địch. Đó là chiến thắng trước U23 Việt Nam vào năm 2018.

Như vậy, kết thúc VCK U23 châu Á 2024, U23 Nhật Bản vô địch, U23 Uzbekistan Á quân, U23 Iraq hạng Ba. Đây là 3 đại diện của châu Á giành vé đi Olympic. Nếu như U23 Indonesia thắng trận play-off, họ sẽ là đại diện thứ 4.

Hơn 50 người tử vong do sốc nhiệt trong tháng 4 ở Myanmar

Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức của Tổ chức Cứu hộ Mani Sala cho biết trong tháng 4 vừa qua, đã có hơn 50 trường hợp tử vong do sốc nhiệt ở Mandalay, miền Trung Myanmar.

Trong số các trường hợp tử vong, khoảng 30 người có bệnh lý nền, hầu hết trong độ tuổi từ 50 - 90. Tỷ lệ sốc nhiệt tăng cao ở Myanmar trong bối cảnh nắng nóng gay gắt trong tháng 4 khiến nhiều người phải nhập viện.

Số ca nhập viện do nắng nóng cũng tăng mạnh, từ 8 ca trong tháng 3 lên tới hơn 50 trường hợp trong tháng 4.

Theo Cơ quan Khí tượng và thủy văn Myanmar, ngày 28/4 vừa qua là ngày nóng nhất trong tháng 4 ở Mandalay trong 77 năm qua, với nhiệt độ lên tới 44,8.

Chính quyền Myanmar thông báo đã ghi nhận mức nhiệt 48,2 tại thị trấn Chauk ở tỉnh miền Trung Magway trong ngày 28/4 - mức nhiệt cao nhất trong tháng 4 hàng năm tại Myanmar kể từ khi dữ liệu được thống kê cách đây 56 năm, theo AFP.

Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất được ghi nhận ở Myanmar. Nhiệt độ tại thành phố Yangon cùng ngày là trên 40, trong khi Mandalay ghi nhận mức nhiệt vượt ngưỡng 44. Nền nhiệt ban ngày tại hầu hết các vùng ở Myanmar vào giữa tuần trước được ghi nhận ở mức cao hơn 3 - 4 so với mức trung bình trong tháng 4.

Dự báo máy điều hòa Đông Nam Á sẽ tăng lên 300 triệu chiếc

Theo báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chỉ 15% gia đình ở Đông Nam Á có máy điều hòa không khí. Trong đó, khoảng 80% được lắp đặt ở Singapore và Malaysia, trong khi dưới 10% ở Indonesia và Việt Nam.

Các dự báo cho thấy số lượng máy điều hòa không khí ở Đông Nam Á có thể tăng từ 40 triệu chiếc vào năm 2017 lên 300 triệu chiếc trong năm 2040 do thời tiết ngày càng nóng hơn, trong khi người tiêu dùng có mức lương cao hơn. Thực tế này sẽ làm tăng công suất điện trong bối cảnh khó khăn hiện nay do mưa ít, sản lượng khí tự nhiên thấp…

Theo IEA, máy điều hòa không khí là nguồn thải ra khoảng 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm trong tổng số 37 tỷ tấn khí thải trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các lựa chọn làm mát như điều hòa không khí là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của nhiệt độ cực cao như trẻ em, người già và một số nhất định người khuyết tật.

Tòa án Nepal hạn chế cấp phép leo đỉnh Everest

Hãng tin AFP dẫn lời một luật sư giấu tên xác nhận phán quyết trên được đưa ra trước khi Nepal tiếp đón lượng du khách khổng lồ đổ về dãy Himalaya trong kỳ leo núi mùa xuân.

Trước đó, Nepal cấp giấy phép leo núi đặc biệt cho tất cả những ai muốn chinh phục đỉnh Everest với mức phí tương đương 11.000 USD. Ngoài ra, họ còn phải bỏ ra gần 35.000 USD để mua thiết bị, thực phẩm, bình oxy và nhiều thứ khác.

Nepal đã cấp số lượng kỷ lục lên đến 478 giấy phép trong năm 2023. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, Nepal đã cấp giấy phép cho 945 người leo núi, trong đó có 403 người chinh phục đỉnh Everest.

“Chúng ta đang gây quá nhiều áp lực lên ngọn núi. Hãy để đỉnh Everest có thời gian nghỉ ngơi”, luật sư Mishra giải thích về những lo ngại của ông.

Nepal có đến 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới, vì vậy các hoạt động leo núi mang lại doanh thu du lịch đáng kể cho quốc gia này.

Đỉnh Everest được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới", nằm ở độ cao 8.849m so với mực nước biển.

Hành trình chinh phục Everest có thể mất tới 2 tháng tùy vào điều kiện thời tiết. Khoảng thời gian thích hợp nhất để tham gia hoạt động này thường là từ tháng 4 đến tháng 5, nhất là giữa tháng 5.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>