Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục khởi sắc

19/02/2024 | 14:54 GMT+7

Dư địa thị trường sầu riêng vào các thị trường nước ngoài còn rất lớn, nhất là thị trường Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, gấp nhiều lần hiện tại.

Đẩy nhanh cấp mã số cho sầu riêng chế biến

Năm 2023 đánh dấu những cột mốc mới trong việc xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam. Xuất khẩu sầu riêng đã mang về cho nước ta gần 2,5 tỉ USD. Đây là con số chưa từng có bởi nếu tính từ năm 2021 trở về trước, mặt hàng này chỉ đạt khoảng 200 triệu USD mỗi năm, tức là chưa đầy 1/10 so với hiện tại.

Dư địa thị trường sầu riêng vào các thị trường nước ngoài còn rất lớn, nhất là thị trường Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, gấp nhiều lần hiện tại. Sầu riêng năm nay lại được giá, tại các tỉnh phía Nam những ngày qua, giá sầu riêng đạt mức cao kỷ lục ở mức 200.000 đồng/ kg. Đây như là sự khởi đầu cho một năm ngành sản xuất sầu riêng của Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Lúc này nhiều địa phương đang đẩy nhanh cấp việc mã số cho sầu riêng đông lạnh để tăng giá trị của sản phẩm này.

Đến thời điểm này, Trung Quốc đã cấp 65 mã vùng trồng cho sầu riêng tại Lâm Đồng. Nhiều cơ sở đóng gói chế biến trên địa bàn cũng được cấp mã số, giúp sản lượng xuất khẩu sầu riêng ở Lâm Đồng năm 2023 đạt gần 100 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu này hoàn toàn có thể tăng lên nếu đẩy nhanh việc cấp mã số cấp đông sầu riêng ở Lâm Đồng.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nhận định: "Vừa qua, Cục bảo vệ thực vật cũng đã lấy Dự thảo, Nghị định về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cấp đông. Trong thời gian tới, khi Nghị định thư này được ký kết, tôi cho rằng sẽ là một bước lớn cho việc xuất sầu riêng sang Trung Quốc".

Với diện tích hơn 20.000 ha, trong đó khoảng 6.000 ha trong thời kỳ kinh doanh, năm 2023, sản lượng sầu riêng ở Lâm Đồng hơn 120.000 tấn. Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Lâm Đồng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Khi đó, sản lượng dồn nhiều, gây áp lực trong xuất khẩu. Bởi vậy, nếu các cơ sở chế biến thực hiện cấp đông thì việc xuất khẩu sầu riêng có thể thực hiện quanh năm. Mà muốn vậy, các doanh nghiệp phải có mã cấp đông để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

"Chúng tôi mong muốn sớm có mã cấp đông để công ty thực hiện theo dự án Nhà nước đưa ra và nông dân cũng đỡ vất vả vì đã sản xuất được mặt hàng tốt nhưng không được xuất khẩu đi các nước" - ông Trịnh Đình Đức - Công ty TNHH Đức Huệ, Lâm Đồng chia sẻ.

Lâu nay, sầu riêng xuất sang Trung Quốc chỉ ở dạng trái tươi, chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng. Lượng sầu riêng còn lại tiêu thụ trong nước hoặc cấp đông xuất sang các thị trường khác như Mỹ, Australia, Thái Lan, Đài Loan nhưng tỷ lệ rất ít. Một khi sầu riêng cấp đông Việt Nam chính thức có mặt tại Trung Quốc, cũng đồng nghĩa sẽ tăng thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường cho mặt hàng sầu riêng.

Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường

Gắn kết nông dân với doanh nghiệp

Sau một năm thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng, các nhà vườn vừa được mùa lại được giá thì một nguy cơ rất dễ xảy ra, đó là ồ ạt tăng nóng diện tích trồng sầu riêng và có thể dẫn tới chất lượng giảm đi. Vì vậy, để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng trong năm nay cũng như những năm tới, tất cả phải bắt đầu từ việc ổn định vùng trồng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Để làm được điều này, một trong những giải pháp là gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo chuỗi sản xuất- cung ứng ra thị trường một cách bền vững.

Tại vùng trồng sầu riêng ở miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, vào tháng 2, sầu riêng ra bông đậu trái. Tại một vườn sầu riêng, lượng bông trên mỗi cây khiến bất cứ nông dân nào cũng phải trầm trồ. Có được điều này là nhờ chủ vườn đã đầu tư đúng mức cho cây sầu riêng với quy trình canh tác VietGAP. Đây là vườn sầu riêng đầu tiên ở Khánh Sơn được cấp mã vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa cho biết: "Dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo danh mục mà phía Trung Quốc yêu cầu là chúng tôi tuyệt đối tuân thủ theo. Nếu làm không đúng sẽ bị rút mã hoặc không được cấp mã nên chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt".

Năm 2023, vùng sầu riêng Khánh Sơn đã cho sản lượng hơn 15.000 tấn, mang lại doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đưa ra khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích canh tác ngoài quy hoạch mà thay vào đó là tập trung đầu tư để được cấp mã số vùng trồng.

Để được cấp mã số vùng trồng là điều không dễ đối với đa phần nông dân trồng sầu riêng ở miền núi Khánh Sơn. Một là diện tích sầu riêng của mỗi hộ gia đình không thể có đủ 10 ha theo như quy định cấp mã số vùng trồng. Thứ hai là quy trình canh tác của nông dân buộc phải thay đổi để đảm báo sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu.

Những nông dân này cùng nhau gắn kết trong tổ hợp tác. Theo ông Vũ Văn Vịnh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn, Khánh Hòa thì "cùng trong tổ hợp tác, mình làm theo quy trình, ghi chép, truy xuất nguồn gốc, làm theo VietGAP, đưa ra sản phẩm đồng đều, chất lượng ổn định".

Hiện tại, mới chỉ có 7 mã số vùng trồng được cấp cho vùng sầu riêng Khánh Sơn, hơn nữa chưa có một doanh nghiệp nào ở đây có mã số đóng gói. Vì vậy, liên kết giữa nông dân trong vùng với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trên cả nước được cho là hướng để tăng lượng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa nêu ý kiến: "Huyện đã liên kết với các doanh nghiệp khác có đăng ký mã đóng gói để người ta thu mua sầu riêng".

Cả nước có trên 700 mã số vùng trồng và hơn 160 mã số đóng gói sầu riêng được cấp phép để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chính đối với xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng, yêu cầu hàng đầu đối với các vùng trồng sầu riêng vẫn là nâng vao chất lượng từ vườn canh tác đến bảo quản, chế biến, đáp ứng những tiêu chuẩn từ thị trường.

Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của trái cây đặc sản này. Hiện diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ đã hơn 60.000 ha, còn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có gần 58.000 ha trồng loại nông sản này.

Theo VTV.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>